Ấn tượng Gioóc-đa-ni (17/12/2012)

Nhận lời mời của Chủ tịch Liên đoàn CCB thế giới (WVF), ngài Mô-ha-mét I-bra-him và Chủ tịch Hội Kinh tế xã hội của CCB và CQN Gioóc-đa-ni, Thiếu tướng Áp-đun-xa-lam Ha-xa-nát, theo Quy chế hoạt động của Liên đoàn, Đoàn đại biểu cấp cao Hội CCB Việt Nam do Chủ tịch Trần Hanh dẫn đầu đã sang thăm

Gioóc-đa-ni và tham dự Đại hội lần thứ 27 từ ngày 18 đến 23-11-2012. Đây là lần đầu tiên, WVF tổ chức đại hội tại khu vực Trung Đông và cũng là lần đầu tiên tổ chức ở bên bờ biển Chết, thấp hơn mực nước biển hơn 417m.

Dường như Hội Kinh tế xã hội của CCB và CQN

Gioóc-đa-ni cũng tận dụng được lợi thế thiên nhiên kỳ vĩ này đăng cai đại hội, để CCB ở các châu lục tề tựu về đây cùng đi xuống đáy đại dương mênh mông của 3 triệu năm trước. Do kiến tạo của địa chất, vùng đất giữa đại thung lũng kéo dài từ vùng núi Tau-rát của Thổ Nhĩ Kỳ đến miền nam châu Phi với Địa Trung Hải đã nhô lên làm cho khu vực này ngăn cách với đại dương, dần dần biển chết do nước chảy vào thì ít mà bay hơi thì nhiều nên ngày càng cạn nước, nay chỉ còn là cái hồ nước muối dài hơn 80km, rộng 9-18km, sâu tới 400m với diện tích hơn 1.050km2. Nước muối ở đây mặn hơn 9 lần nước biển nơi khác và rất nhiều loại khoáng chất, lại rất vệ sinh vì chẳng có sinh vật nào sống được dưới nước này. Tỷ trọng nước lớn đến nỗi người không biết bơi cũng không thể bị chìm…

Nước chủ nhà cũng rất quan tâm chú ý đến đại hội, vì thế mà cả Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Xã hội, du lịch và môi trường, đặc phái viên của nhà vua đã đến khai mạc đại hội. Sau phiên khai mạc, các thành viên tham dự đã đi viếng Đài tưởng niệm liệt sĩ vô danh ở ngoại ô Thủ đô Am-man, các nơi tổ chức đại hội chừng 30km. Thật là một điều ngỡ ngàng, Đại hội 27 WVF chẳng những được tiến hành ở nơi thấp nhất của bề mặt trái đất, sâu dưới mực nước biển hơn 400m mà còn được tổ chức ở nơi nóng bỏng nhất của hành tinh hiện nay, ấy là nơi mà chiến sự đang diễn ra ác liệt giữa I-ra-en với Ha-mát và Pa-le-xtin ở phía Tây Gioóc-đan, bên kia biển Chết.

Đại hội đã kết nạp thêm 6 tổ chức thành viên mới, trong đó có Hội CCB Cam-pu-chia và tiến hành thảo luận sửa đổi điều lệ để Hội đồng và Ban chấp hành có thể được quyền kết nạp thành viên chứ không phải chờ đến kỳ đại hội sau. Một số điều sửa đổi khác về tổ chức, lề lối hoạt động cũng được thảo luận và quyết định nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của liên đoàn theo hướng minh bạch, công khai, dân chủ hơn, nâng cao trách nhiệm của các Hội thành viên hơn trước. Đại hội đã thảo luận và thông qua 26 dự thảo nghị quyết, khuyến nghị. Trong số này, phần lớn để cập đến nâng cao đời sống tinh thần vật chất cho CCB, nạn nhân chiến tranh và người phụ thuộc thông qua các biện pháp tăng cường giao lưu, hợp tác giữa các tổ chức thành viên và xây dựng quan hệ giữa các hội thành viên với chính phủ của mình; khuyến nghị các tổ chức chính phủ và phi chính phủ bảo đảm quyền và lợi ích của CCB. Một số khuyến nghị mang tính chính trị cao, trong đó có việc cảnh báo và lên án tư tưởng muốn ca ngợi, phục hồi chủ nghĩa phát xít cũ và khích lệ chủ nghĩa phát xít mới, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc; lên án những hành vi vô văn hóa, xâm hại bia mộ nghĩa trang liệt sĩ hi sinh trong cuộc chiến chống phát xít trước đây ở Âu-Phi. Một số nghị quyết về việc bảo tồn và trao đổi các di sản văn hóa, giáo dục thế hệ trẻ tinh thần yêu nước, yêu hòa bình, chống chiến tranh và một số khuyến nghị về khu vực Xa-ha-ra và về bảo đảm chế độ chính sách cho CCB và người tàn tật.

Bài phát biểu của đoàn ta do Chủ tịch Trần Hanh trình bày, cùng những tài liệu viết về CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi và về giải quyết hậu quả chiến tranh, đặc biệt là hậu quả chất độc da cam/đi-ô-xin và tờ giới thiệu tổ chức, nhiệm vụ CCB Việt Nam được nhiều đoàn quan tâm học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm. Bên lề đại hội, Chủ tịch Trần Hanh đã có nhiều cuộc tiếp xúc song phương với bạn bè ASEAN, Hàn Quốc, Đài Loan, Pháp, Ô-xtrây-li-a, Ma-rốc, Mô-dăm-bích... giúp bạn hiểu hơn về vai trò, vị trí và thành tựu của CCB ta; về cách thức tăng cường quan hệ với các tổ chức CCB các nước. Trả lời đề nghị tiếp tục trao đổi chuyến thăm của đoàn Mô-dăm-bích, Chủ tịch nói: CCB có thể quan hệ bằng nhiều biện pháp, thông qua nhiều lực lượng, không chỉ do CCB thực hiện mà còn là CCB tác động để các bộ, ngành và đoàn thể khác cùng góp phần thúc đẩy quan hệ giữa các quốc gia nói chung.

Bên cạnh những hoạt động chính của đại hội, ban tổ chức của nước chủ nhà đã bố trí nhiều chương trình văn hóa, đặc biệt là những tiết mục biểu diễn của Đoàn ca múa quân đội Hoàng gia Gioóc-đa-ni. Những vũ công nam, nữ trong trang phục dân tộc, đượm chất sa mạc pha lẫn Hồi giáo, phảng phất nét huyền bí của miền đất thánh thần này uốn lượn cùng tiếng trống bập bùng làm mê hoặc lòng người.

Ban tổ chức cũng không bỏ lỡ cơ hội để cho CCB bốn phương trời có dịp chiêm ngưỡng những thành phố La Mã cổ đại nhất thế giới - thành phố Giê-ra, nơi sự tồn tại của con người đã liên tục có từ 6.000 năm trước, nhưng trớ trêu thay, thành phố lại bị vùi lấp dưới đất cát hơn hai thế kỷ và mới được khai quật, phục hồi, tái tạo từ những năm 50 của thế kỷ trước. Trên đường từ biển Chết đến đây, vượt qua chặng đường dài, khi “ngoi” lên đến mực nước biển, anh lái xe địa phương hăm hở chỉ cho chúng tôi những biển hiệu đánh dấu mực nước biển và nhìn qua thung lũng Gioóc-đan là thấy Giê-ru-xa-lem, thủ đô của I-xra-en. Anh cũng không quên chỉ cho hai đoàn Việt Nam và Cam-pu-chia thấy một vệt dài hàng vài cây số, là trại lánh nạn của người Hồi giáo Pa-le-xtin do Chính phủ Gioóc-đan cấp đất, xây nhà lập trại cho họ. Chúng tôi không khỏi chạnh lòng thương cho số phận những người dân Pa-le-xtin không quê hương, bản quán, phải tạm thời nương tựa nơi đất khách quê người… Đường qua thung lũng Gioóc-đan quanh co qua những triền đồi trọc, cơn gió sa mạc đưa cát sỏi rắc vào kính xe kêu rào rào, rộp rộp… làm chúng tôi khỏi giấc miên man về số phận người dân Pa-le-xtin mà nghĩ ngay tới người dân Gioóc-đa-ni, thật là rộng lòng mến khách, tận tâm lo cho số phận người anh em Hồi giáo từ ở bên kia biển Chết chạy sang đây.

Biển Chết, với thiên nhiên kỳ thú, nơi mà dọc theo giữa nó theo chiều bắc - nam hiện nay là biên giới giữa Gioóc-đa-ni và I-xra-en. Hai quốc gia này, bờ Đông và bờ Tây biển Chết đang rất lo ngại rằng đến cuối thế kỷ XXI, biển Chết sẽ “chết” hẳn vì cạn khô thành sa mạc muối. Vì thế, họ đã ký thỏa thuận cứu biển Chết bằng cách bơm nước biển Hồng Hải lên đồi rồi cho chảy theo mương đào dài hơn 200km dẫn nước vào biển. Ngân hàng Thế giới đã ngỏ ý hỗ trợ siêu dự án này. Có lẽ các nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa hàng trăm năm nên hai quốc gia này đã bình thường hóa và thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1996 để nghiên cứu lập dự án. Nếu siêu dự án này thành công thì điện năng của dòng nước Địa Trung Hải vào biển Chết cũng tạo bao công ăn việc làm, thắp sáng sa mạc mênh mông và cốt yếu là cứu biển Chết khỏi chết, để cho khách thập phương tiếp tục đổ về đây, sâu xuống đại dương để nằm trên mặt nước biển Chết mà đọc báo, tắm bùn, tắm muối cho khỏi bệnh thấp khớp, hô hấp, tim mạch, xơ hóa u nang… và nhiều thứ bệnh khác, như báo chí địa phương loan tải tin tức rằng 80% số người về điều trị là khỏi bệnh

Đại hội WVF lần thứ 27 đã kết thúc, để lại những ấn tượng khó quên. Chẳng những vui với thành công của đại hội, với việc đại hội tiếp tục khẳng định tôn chỉ mục đích là hòa bình, hợp tác và phát triển, mà còn vui vì Hội CCB Việt Nam chúng ta tiếp tục đóng góp xứng đáng vào thành công chung, vui vì được đến thành phố La Mã cổ đại nhất thế giới và vui vì được thả mình trên mặt nước trong xanh, đọc báo, ngắm hoàng hôn, và đặc biệt nhớ câu nói của Chủ tịch Trần Hanh: “Chúng ta xuống tắm biển Chết để (tinh thần) sống mãi”.

T.N.D