Ấn tượng chuyến đi “Theo dấu chân Bác” (06/05/2011)

**Thế nhưng, cuộc đi thăm CCB tỉnh Quảng Tây của Đoàn CCB Việt Nam do Chủ tịch Trần Hanh dẫn đầu có những điều khá đặc biệt trong hoạt động đối ngoại, nên đã tạo ra những ấn tượng sâu sắc trong mối quan hệ hữu nghị giữa CCB Việt Nam và CCB Trung Quốc. **

**Lễ đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm liệt sĩ cách mạng nhân dân Trung - Việt ở Đông Hưng **

Những ngày cuối tháng tư, vừa tạm biệt anh em biên phòng nước ta bên cây số 2 cửa khẩu Móng Cái, Đoàn CCB Việt Nam do Chủ tịch Trần Hanh dẫn đầu đến viếng Đài tưởng niệm Liệt sĩ cách mạng nhân dân Việt - Trung tại TP Đông Hưng, TP Thành Phòng Cảng, cách cửa khẩu Móng Cái khoảng hơn 200m. Đoàn đến đặt vòng hoa, thắp nén tâm nhang kính cẩn nghiêng mình trước các liệt sĩ Việt Nam hy sinh vì nhiệm vụ quốc tế cao cả.

Cách đây 62 năm, mùa hè năm 1949, theo mệnh lệnh của Trung ương Đảng, Bác Hồ và Bộ Tổng Tư lệnh, quân đội ta đã cử một số đơn vị chia làm hai cánh hành quân băng rừng, vượt núi sang Trung Quốc để cùng với các đơn vị Giải phóng quân Trung Quốc tham gia chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn, truy quét những nhóm tàn quân Quốc dân đảng cuối cùng tại một số khu vực ở miền Nam Trung Quốc.

Để ghi công và tưởng nhớ các liệt sĩ đã hy sinh trong chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn, tại TP Đông Hưng đã xây đài liệt sĩ trên khắc song song hai hàng chữ Việt - Hán: “Đài tưởng niệm liệt sĩ cách mạng nhân dân Việt - Trung”. Trên bệ có khắc một bia bằng tiếng Việt “ Nhân dân Việt Nam đời đời nhớ ơn các chiến sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước và tình hữu nghị giữa các dân tộc, nguyện ra sức học tập và phát huy truyền thống dũng cảm của các liệt sĩ: vững bước tiến theo ngọn cờ quang vinh của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản” và tên của 6 liệt sĩ Việt Nam. Hài cốt của các liệt sĩ Việt Nam và Trung Quốc được quy tập, chôn cất dưới chân đài. Tri ân những liệt sĩ Việt Nam đã chiến đấu cho nền độc lập của đất nước Trung Hoa, tri ân những liệt sĩ Trung Quốc để mỗi dân tộc, mỗi người dân thêm hiểu và trân trọng thành quả cách mạng mà hai dân tộc phải đổ biết bao xương máu mới có được.

Thăm nơi ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Liễu Châu

Chúng tôi đến thăm Liễu Châu, một thành phố mới, hiện đại của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Dòng sông Liễu hôm nay vẫn uốn cong như dải lụa mềm ôm lấy TP Liễu Châu. Người Trung Quốc có câu ví: “Ăn ở Quảng Châu, cưới vợ ở Tô Châu, chơi ở Hàng Châu, chết ở Liễu Châu”, vì Liễu Châu nổi tiếng có nhiều gỗ quý làm áo quan chôn dưới đất hàng trăm năm thi thể vẫn còn nguyên. Nhưng Liễu Châu cũng nổi tiếng với hệ thống nhà tù hà khắc của Tưởng Giới Thạch, nơi Chủ tịch Hồ Chí Mnh bị giam cầm và ở nơi đây, Người đã sáng tác tập “Nhật ký trong tù” bất hủ.

Theo con đường dốc, chúng tôi tới cửa hang Phan Long, nơi Bác Hồ từng bị giam ở đây lần đầu vào mùa đông năm 1942, cuối hang còn nguyên nhà ngục tường xây bằng đá dày tới 1m, với chấn song sắt gỉ đen; từ khe núi khí lạnh thoát ra qua vách đá với những dòng nước nhỏ rỉ từ khe núi lạnh đến rợn người. Vậy mà chính nơi đây, giữa mùa đông băng giá ấy, Bác bị giam giữ trong nhà ngục. Nhìn tận mắt cảnh vật này, chúng tôi không ai cầm được nước mắt, khi hình dung một ông già với thân hình mảnh khảnh đã phải chịu tù đày cực khổ mà lòng luôn canh cánh nỗi niềm vận mệnh dân tộc. Một cảm giác trào dâng đến với chúng tôi, thời gian như đọng lại, vầng sáng của ý chí vẫn mãi ngời tỏa trong tâm thức bao người. Xâm chiếm lấy chúng tôi là cảm giác xúc động đan xen với lòng tự hào dân tộc và nỗi niềm ngậm ngùi thành kính nhớ ơn Người. Nơi đây hiện đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia của Trung Quốc .

Rời Phan Long, đến giữa kinh đô đá Liễu Châu, chúng tôi tới thăm nhà ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm sát bên hòn tiểu sơn Ngư Phong. Đây chính là ngọn núi Tây Phong Lĩnh nổi tiếng trong bài thơ khi Bác mới ra tù tập leo núi. Mặt trước tòa nhà quay ra phố lớn đông đúc, cổng sau nằm trong khuôn viên yên tĩnh của Trường tiểu học Ngư Phong. Hai bên lối vào có hai cây si cổ thụ. Tầng một tòa nhà là các tư liệu chung về cuộc đời của Bác; gác hai trưng bày, lưu giữ những hiện vật, tư liệu về thời gian Bác hoạt động ở Liễu Châu.

Vẫn còn đó chiếc giường đơn sơ, mộc mạc, bộ bàn ghế nhỏ, cái điện thoại, đồng hồ, chậu rửa mặt... Đứng trong gian phòng nhỏ chỉ vài mét vuông, được ngăn ước lệ với gian ngoài bằng tấm liếp mỏng, chúng tôi có thể hình dung Bác hằng đêm cặm cụi bên bàn viết, tìm đường, vạch lối cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Ngoài gian phòng cũ được phục nguyên đồ đạc của Bác từng dùng, ngôi nhà còn trưng bày hàng trăm bức ảnh về quãng thời gian hoạt động cách mạng gắn liền với các vị lãnh đạo và nhân dân Trung Quốc của Bác. Một trong số đó ghi lại hình ảnh Bác đến Liễu Châu lần thứ 3 năm 1954 và có cuộc hội đàm quan trọng với Thủ tướng Chu Ân Lai về việc giải quyết vấn đề hòa bình ở Đông Dương thông qua Hội nghị Giơ-ne-vơ…

Năm 1966, chính quyền và nhân dân TP Liễu Châu đã đặt tên cho nhà ở của Bác để kỷ niệm những năm tháng Bác ở Liễu Châu và các hoạt động hữu nghị truyền thống hai nước Việt - Trung. Năm 2006, Quốc vụ viện Trung Quốc đã tuyên bố nhà ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đơn vị bảo tàng trọng điểm toàn quốc. Tại căn nhà này, Trung tướng Trần Hanh đã thay mặt Hội CCB Việt Nam ghi lại những dòng đầy xúc động trong cuốn sổ vàng.

**Đến thăm Trường Nguyễn Văn Trỗi ở Quế Lâm **

Tới Quế Lâm, thành phố nằm bên bờ sông Ly trong xanh, chúng tôi đến thăm Trường văn hoá quân đội Nguyễn Văn Trỗi thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, thành lập ngày 15-10-1965 và kết thúc đào tạo tháng 6-1970. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam vào giai đoạn quyết liệt nhất, từ năm 1965 đến năm 1968, 1.500 giáo viên và học sinh là con em cán bộ quân đội (nhỏ nhất là 12 tuổi, lớn nhất là 17 tuổi) của Trường Nguyễn Văn Trỗi đã sơ tán đến TP Quế Lâm rèn luyện và học tập để thực hiện nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiện nơi này là trường du lịch Quế Lâm.

Thăm Nhà kỷ niệm các trường Việt Nam tại Đại học Sư phạm Quảng Tây. Ngày 14-5-2010, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Đoàn công tác Chính phủ Việt Nam đã dự lễ kỷ niệm và cắt băng khánh thành một trong những sự kiện quan trọng trong “Năm hữu nghị Việt – Trung 2010”. Ngôi nhà trưng bày hàng trăm bức ảnh về quãng thời gian học tập của các thế hệ học sinh. Các thầy, cô giáo của trường cho chúng tôi biết, các trường học Việt Nam tại Trung Quốc từ năm 1951 đến 1969 do Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng và vun trồng. Qua 18 năm, đã đào tạo được hàng vạn học sinh, chính đội ngũ này đã trở về nước trực tiếp tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ và xây dựng đất nước Việt Nam XHCN. Nhiều cựu lưu học sinh tại Quế Lâm nay trở thành cán bộ cấp cao trong Đảng, Chính phủ và quân đội, Việt Nam. Tiếp tục truyền thống hợp tác giáo dục giữa hai nước, hiện nay có khoảng 6.000 lưu học sinh Việt Nam đang học tập tại các trường đại học ở Trung Quốc và hàng ngàn lưu học sinh Trung Quốc cũng đang học tập tại các trường đại học của Việt Nam.

Chủ tịch Trần Hanh đã viết trong cuốn số lưu niệm của nhà trường những dòng xúc động, cảm ơn các thầy cô giáo các trường và nhân dân Trung Quốc, chúc tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Việt Nam đời đời bền vững. Tạm biệt Trường Sư phạm, chúng tôi tới thăm Văn phòng Bát Lộ Quân, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng làm việc thời kỳ 1938-1939.

Những cuộc gặp gỡ ấn tượng và cảm động

Khó có thể kể hết những chi tiết sống động đầy nghĩa tình sâu nặng giữa CCB Việt Nam và các CCB TP Nam Ninh, Liễu Châu, Quế Lâm, Trung Quốc như việc các CCB ở Đông Hưng ra tận cửa khẩu tặng hoa và chào đón đoàn và cùng viếng Đài tưởng niệm liệt sĩ tại Đông Hưng. Các buổi tiếp xúc, gặp gỡ, chiêu đãi ấm cúng ở TP Nam Ninh, Liễu Châu, Quế Lâm. Những cái bắt tay và vòng tay ôm chặt với những bó hoa tươi thắm gây cho đoàn rất nhiều cảm xúc.

Chị Mông Nghị, đại diện cho các CCB TP Nam Ninh, khi 16 tuổi đã viết thư tình nguyện sang Việt Nam tham gia cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc lên Thủ tướng Chu Ân Lại và được chấp nhận. Chị rất xúc động bày tỏ: “Tôi thật sự vui mừng được đón Đoàn CCB Việt Nam sang thăm, gặp Trung tướng Trần Hanh, người Anh hùng không quân mà tôi rất ngưỡng mộ, nay được đón đoàn tại quê hương mình là một điều vinh hạnh”. Đại diện cho CCB TP Liễu Châu, đồng chí Phan Bổn Âm bộc bạch: “Trong đời mỗi cá nhân chúng tôi đã có những năm tháng kề vai sát cánh với quân và dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống xâm lược. Chúng ta hãy phát huy, kế thừa truyền thống hữu nghị Việt - Trung như Bác Hồ đã dạy: Mối tình thắm thiết Việt - Hoa, vừa là đồng chí vừa là anh em”. Đồng chí Phan Bổn Âm còn điện cho phóng viên đài truyền hình Liễu Châu đến phỏng vấn nhanh Chủ tịch Trần Hanh tại nhà ở của Bác Hồ và thông báo cho Đoàn ta tin sự kiện quan trọng này sẽ được phát vào buổi tối hôm đó. Còn đồng chí Tạ Hồng Uy, đại diện cho CCB TP Quế Lâm rất chân thành tâm sự: “Thật ấn tượng sâu sắc là được gặp mặt Đoàn CCB Việt Nam “theo dấu chân Bác”, lần đầu tiên đến thăm TP Quế Lâm. Các đoàn CCB Trung Quốc đã 25 lần sang thăm Việt Nam, nay chúng tôi mới có dịp được đón tiếp các đồng chí và các bạn, thật là duyên trời mang đến, mãi mãi không thể quên. Chúng tôi mong rằng, sẽ có nhiều cơ hội được đón các đoàn CCB Việt Nam sang thăm để chúng ta vui vầy như anh em một nhà”.

Tại các buổi gặp gỡ với các CCB ở TP Nam Ninh, Liễu Châu, Quế Lâm, điều may mắn là Chủ tịch Trần Hanh thông thạo tiếng Trung Quốc, nên các cuộc tiếp xúc đã để lại nhiều kỷ niệm đẹp. Chủ tịch Trần Hanh nhấn mạnh, CCB Việt Nam ý thức sâu sắc về quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa hai nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Mao Trạch Đông và các nhà cách mạng tiền bối dày công vun đắp. Sự tăng cường tình hữu nghị và hợp tác giữa CCB hai nước ngày càng được mở rộng, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước theo phương châm 16 chữ "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" mà các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước hai nước đã xác định. Chủ tịch Trần Hanh bày tỏ hy vọng các hoạt động giao lưu hữu nghị giữa CCB hai nước ngày càng được tăng cường và đạt hiệu quả cao.

Ấn tượng sâu đậm, với lời nói lưu loát, dí dỏm bằng tiếng Trung Quốc, Chủ tịch Trần Hanh đã gây được sự ngưỡng mộ và xúc động. Các cuộc nói chuyện, những cuộc gặp gỡ, trò chuyện giữa CCB Việt Nam và Trung Quốc đều trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt. Kết thúc các buổi gặp gỡ, CCB Việt Nam và Trung Quốc cùng nhau hát vang bài hát “Việt Nam - Trung Hoa” và lưu luyến trao nhau những vật kỷ niệm, nhắc nhở về những ngày tháng hào hùng năm xưa, mọi người đều tỏ ra luyến tiếc vì còn nhiều điều muốn nói. Tình cảm đó là những tài sản vô cùng quý báu để CCB và nhân dân hai nước cùng nhau góp sức vun đắp cho tình hữu nghị Việt - Trung mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

Chuyến thăm kết thúc tốt đẹp, để lại những ấn tượng sâu sắc, kỷ niệm khó quên về tình hữu nghị giữa CCB hai nước Việt Nam và Trung Quốc .

Ghi chép của MINH PHƯƠNG