An toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp tết (05/02/2010)

“Nóng” vì đây là thời điểm làm ăn của các cơ sở sản xuất đáp ứng nhu cầu hết sức lớn của xã hội. Mặt tốt có nhiều, nhưng mặt dở cũng không ít, gây nên những vấn đề phức tạp và đáng lo ngại về vệ sinh an toàn thực phẩm, đe doạ sức khoẻ người dân.

Những thông tin về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm thời gian qua khiến chúng ta lo ngại vì nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm, nhiều loại hàng hoá không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đang xuất hiện nhiều trên hầu hết các địa bàn cả nước. Về sản xuất thực phẩm, những da lợn, bì lợn lăn lóc ngoài vỉa hè, trên đường giao thông đầy bụi bẩn; các loại mứt Tết được chế biến ngay cạnh nhà vệ sinh, các loại bánh kẹo kém chất lượng không rõ nguồn gốc; chế biến, nhuộm hạt dưa bằng màu công nghiệp… bị phát hiện tại nhiều thành phố, khu dân cư lớn như tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Trung đã phát hiện hạt dưa ở một số cơ sở kinh doanh có chứa Rhoramine-B, chất gây ung thư có trong phẩm màu công nghiệp, một số mẫu rau sống, rau thơm bán ở chợ và tại các nhà hàng có chứa vi khuẩn gây bệnh tả... Các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều cơ sở sản xuất bánh mứt trong cảnh dòi bọ lúc nhúc, nguyên liệu nổi mốc, nổi mùi hôi thối đang chuẩn bị thành mứt thành phẩm bán đi các nơi trong dịp Tết này. Về buôn bán vận chuyển thì chuyện những chuyến xe từ vài trăm cân đến vài tấn lòng lợn, nội tạng động vật ướp hoá chất đã bốc mùi được vận chuyển qua biên giới đưa vào tiêu thụ tại Việt Nam đã bị bắt quả tang trên đường vận chuyển tại Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh… gây sự kinh hoàng cho người tiêu dùng.

Việc kiểm soát, ngăn chặn các cơ sở sản xuất không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và việc buôn bán các loại thực phẩm “có vấn đề” qua biên giới cũng như trong nước chúng ta đã làm nhiều và có những kết quả tích cực, song trên thực tế còn nhiều bất cập. Việc xử lý hiện nay với các đối tượng vi phạm, chúng ta mới chỉ chủ yếu là xử phạt hành chính, đình chỉ sản xuất, quản lý các loại hoá chất, phụ gia còn nhiều kẽ hở, lực lượng giám sát còn mỏng… cho nên các loại thực phẩm không an toàn vẫn có nhiều khả năng len lỏi vào các khu dân cư, các vùng miền, đem lại những nguồn lợi to lớn, bất chính trên sức khoẻ của người dân cho các đối tượng sản xuất và buôn bán các mặt hàng này vì lợi nhuận kếch xù của nó đem lại.

Ngoài các ngành, các lực lượng quản lý thị trường chức năng kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, các đối tượng buôn bán vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm thì vấn đề lại đang phụ thuộc vào công tác tăng cường các biện pháp giáo dục truyền thông, nâng cao nhận thức và xác định rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền, người sản xuất, kinh doanh và của chính người tiêu dùng. Cần chú ý hơn nữa đến công tác tuyên truyền để người sản xuất nâng cao trách nhiệm cộng đồng, đưa ra thị trường các loại thịt, rau củ quả an toàn không có các loại hoá chất, thuốc trừ sâu quá quy định, người tiêu dùng thận trọng trong việc lựa chọn thực phẩm, khi có vấn đề về mất an toàn vệ sinh thực phẩm cần kịp thời thông báo đến các cơ quan quản lý và xử lý tại cơ quan y tế… Thực hiện nghiêm các quy định VSATTP trong sản xuất rau quả, giết mổ gia súc gia cầm, chế biến và sử dụng thực phẩm ở mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt là ở những nơi công cộng, đông người; đồng thời kiểm soát chặt chẽ các loại thực phẩm qua biên giới là những biện pháp chính để không xảy ra dịch bệnh lớn trong khu dân cư…

An toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là trong dịp năm hết Tết đến này không là công việc của riêng ai, cần mỗi chúng ta cùng nâng cao cảnh giác, cùng vào cuộc để đảm bảo sức khoẻ cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng, đảm bảo để Tết này là Tết vui, Tết an toàn cho mỗi người.

VÂN ANH