Âm vang Trường Sơn trong lòng thành phố biển

Tại buổi gặp gỡ, Đại tá Nguyễn Văn Đức, trưởng đoàn Cựu chiến binh Quân giới Trường Sơn xúc động chia sẻ: Chúng tôi đều là những chiến sĩ ngành quân giới Trường Sơn năm xưa, với nhiệm vụ bảo quản vũ khí, khí tài, đạn dược, vừa cố định, vừa cơ động sửa chữa xe ô tô, xe pháo các loại dọc tuyến đường Trường Sơn thân yêu. Bao năm qua, ai cũng mơ ước được về thăm lại chiến trường ác liệt năm xưa, giờ mới thực hiện được. Trong đoàn có người đã 86 tuổi, người ít nhất cũng đã ngoài 60 tuổi. Đây là những thành viên đại diện cho Ban liên lạc của 37 tỉnh, thành trong cả nước…cùng dìu nhau về thăm lại chiến trường xưa, nơi chúng tôi đã gắn bó máu xương suốt hàng nghìn ngày không ngơi nghỉ, mới ngày nào chúng tôi đem tuổi thanh xuân của mình “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phới phới dậy tương lai…”, con đường ngày ấy, hôm nay và mãi về sau luôn là đường Trường Sơn, đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Mặc dù trong đoàn có hàng chục thương binh, người bị nhiễm chất độc hoá học…nhưng vẫn quyết tâm đến nơi từng chứng kiến đồng đội hy sinh và chính tay chôn cất nhau ngày ấy, thắp những nén nhang cho lòng mình nhẹ lại. Chúng tôi thầm gọi tên nhau mày tao như ngày nào mà nghẹn lòng rơi lệ, nhưng là những giọt nước mắt sung sướng. Đặc biệt, có thành viên lần hỏi thông tin, tìm và đến cho bằng được các gia đình trước đây đã từng cưu mang, chăm sóc cho anh em lúc đau yếu ngay dưới làn mưa bom, bão đạn của kẻ địch…một chuyến đi mang nặng tình đồng đội, tình quân dân sâu sắc, chúng tôi sẽ nhớ mãi”.
Đón và tiếp đoàn Cựu chiến binh Quân giới Trường Sơn tại Nha Trang, Đại tá Phạm Duy Khiêm, Chủ tịch Hội Truyền thồng Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh tỉnh Khánh Hoà chia sẻ: Là những người lính Trường Sơn, người từng làm nhiệm vụ và yêu mến Trường Sơn năm xưa, khi gặp lại đều hổ hởi ôm chặt lấy nhau như anh em trong nhà. Cứ thế, toàn là những câu chuyện về Trường Sơn kể lại, có người nhận ra nhau từng cùng tổ, đội, từng chia nhau củ khoai, tặng nhau nhánh lan rừng…chúng tôi rất xúc động và rất vui thông qua những cuộc gặp gỡ như thế này.
Trong bữa cơm chia tay tại Nha Trang, họ như quên ăn mà chỉ muốn chia sẻ, muốn nói với nhau thật nhiều. Quay phim, chụp ảnh lưu niệm, rồi tất cả đều không thể ngồi nữa, họ cùng đứng lên cứ hát mãi bài ca về Trường Sơn. Vâng! Đã 40 năm chiến tranh qua đi, nhưng những người lính Trường Sơn năm xưa nói chung và những người lính ngành Quân giới nói riêng, họ về thăm lại chiến trường xưa, cảm nhận, mang âm vang Trường Sơn về giữa lòng thành phố biển Nha Trang thân yêu.
Công Thi