Ấm tình trên biển Vùng C (02/12/2010)

Anh Dũng sinh năm 1959, 18 tuổi đã tạm biệt quê lúa Thái Bình sang Liên Xô theo học Trường cao đẳng Hải quân Ba Cu. Ngày ấy, nước ta vừa giành thắng lợi to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; hình ảnh người chiến sĩ Việt Nam được bạn bè thế giới khâm phục và là biểu tượng của thế kỷ 20. Anh Dũng cũng sống trong tình yêu thương, quý mến của những người thầy, người đồng nghiệp Nga bao dung và độ lượng. Về nước, anh được vào công tác tại Vùng C hải quân, đến nay đã là hơn 30 năm lăn lộn với biển miền Trung và trưởng thành từ một cán bộ sơ cấp lên Đại tá, Chính uỷ vùng. Ngoài anh Dũng còn có biết bao cán bộ của Quân chủng Hải quân cũng trưởng thành như thế. Chưa có tiêu chí cụ thể cho “người của biển”, nhưng ngắm nghía cái dáng người to khoẻ, nước da đen sạm như có cả mùi nước biển và giọng nóì ồn ào muốn cướp lời của sóng thì tôi yên tâm lắm.

Có lẽ, không có bão lũ nơi nào dữ dội hơn ở miền Trung và cũng không có cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển lại càng căng thẳng, khẩn trương như ở Vùng C, Vùng D hải quân. Ngay như trong cơn bão số 1 vào giữa tháng 7–2010, được tin còn có nhiều tàu cá của dân đang ở ngoài khơi. Chính ủy Nguyễn Tiến Dũng cùng Bộ chỉ huy Vùng C đã điều động 3 tàu HQ 962, HQ 951 và HQ 629 trực tiếp tham gia tìm kiếm cứu nạn. Đúng 23 giờ ngày 16-7 tàu HQ 962 và 951 lao đến khu vực các tàu bị nạn với tốc độ cao nhất; còn tàu HQ 629 hành quân từ Lý Sơn vào lúc 5 giờ sáng ngày 17-7 thì đến khoảng 15 giờ hôm ấy cũng có mặt hợp quân ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và bắt đầu tìm kiếm. Mặc cho mưa to, gió lớn, sóng cấp 6, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ của ba tàu dù rất mệt mỏi và căng thẳng vẫn liên tục quan sát bằng mọi phương tiện để không bỏ sót mục tiêu, tín hiệu cấp cứu nào trên biển. Vào lúc 8 giờ ngày 18-7, tàu HQ 629 tiếp cận được 5 tàu cá (QNg 95613, 95599, 95839, 93707, 95431) và cấp cứu cho 6 ngư dân. Đến 10 giờ, tàu HQ 951 gặp và cung cấp lương thực, thực phẩm, nguyên liệu, xăng dầu, thuốc men cho tàu QNg 95247. Riêng tàu HQ 952 lúc 18 giờ 50 phút đã tiếp nhiên liệu cho 8 tàu khác gồm: QNg 95821, 95426, 95406, 96237, 95799, 90046, 95814, 90027 và tiếp nhận 8 ngư dân lên tàu chăm sóc sức khỏe. Khi về đến Đà Nẵng lại kéo thêm hai tàu: QNg 95799 và 95426 vào cảng. Như vậy 16 tàu cá và 14 ngư dân gặp nạn được các tàu của Vùng C hỗ trợ an toàn.

Nhớ lại dịp tết Canh Dần vừa qua, Trung úy Lê Thanh Ngân, nhân viên cơ điện tàu HQ 628 đi làm nhiệm vụ tuần tiễu dài ngày trên biển. Trong bờ, vợ anh là chị Lê Thị Bình, trở dạ sinh con thứ hai bị băng huyết, mất nhiều máu rất nguy hiểm. Được tin, Đại tá Nguyễn Tiến Dũng đã liên hệ qua điện thoại với Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng yêu cầu giúp đỡ tối đa và động viên đồng đội: Hơn lúc nào hết, chúng ta hãy vì tính mạng của vợ con đồng đội, bằng mọi giá phải cứu sống cô ấy. Hơn một giờ sau, 20 cán bộ, chiến sĩ của Hải đội B11 được ô tô đưa đến bệnh viện, tiếp cho Lê Thị Bình 6 đơn vị máu. Ngày hôm sau, gần 40 sĩ quan, binh sĩ của Đoàn M61 tiếp tục truyền cho sản phụ 21 đơn vị máu. Lê Thị Bình được cứu sống. Hải đội B11 lại quyên góp 9 triệu đồng giúp đỡ gia đình và Hội Phụ nữ Đoàn M61 nhận đỡ đầu cháu sơ sinh.

Tình hình trên biển có thời điểm diễn biến hết sức phức tạp, tàu nước ngoài tăng cường hoạt động xâm lấn, ngăn cản, vây ép và đe dọa các hoạt động thăm dò, khai thác hải sản, khoáng sản của ta. Những “người của biển” Vùng C đã kiên trì đấu tranh bằng ý chí và tình cảm, tuyên truyền và đẩy đuổi để giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển, giữ vững tình hữu nghị và bạn bè quốc tế trong thời kỳ hội nhập.

Bài và ảnh: XƯƠNG GIANG