Ấm tình đồng đội
Vẫn nắm chặt tay những người đồng đội, Thiếu tướng Trần Văn Niên, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9 hồ hởi: 50 năm cuộc đời binh nghiệp trong đó có hơn 30 năm gắn bó với Binh chủng Pháo binh, cả cuộc đời tôi là những trận đánh, những cuộc hành quân từ kháng chiến chống Pháp sang chống Mỹ. Có thể nói đồng đội chính là anh em, chính là gia đình của tôi, tình cảm của người chỉ huy với những đồng đội của mình nó gắn bó lắm, thiêng liêng lắm, mỗi người chúng tôi chắc chắn không thể nào quên. Hôm nay có cơ hội gặp lại anh em đồng đội trong cuộc hội ngộ ấn tượng này sau 40 năm xa cách quả thực là điều may mắn với tôi, tất cả tình cảm lại như trào dâng từng đợt, từng đợt trong lòng. Tất cả niềm vui, niềm hạnh phúc, những kỷ niệm như hòa quện lại với nhau thành những cung bậc cảm xúc khó tả. Mỗi khi nhìn thấy một người đồng đội cũ là những hình ảnh ngày xưa lại ùa về lấp đầy tâm trí tôi, mừng vì được gặp lại anh em hôm nay nhưng cũng đau xót khi nhớ tới những đồng đội đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, và còn cả những đồng đội vẫn chưa thể nào tìm lại nhau. Đó chính là điều đáng tiếc nhất đối với tôi.
Đại tá Nguyễn Vương Thừa, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 455 xúc động nói: Gặp lại anh em ở đây tôi thấy rất mừng. Mừng nhất là thấy đồng đội sức khỏe vẫn tốt, nhiều người đã vượt qua khó khăn để trưởng thành rồi quay lại giúp đỡ những người khác còn đang vất vả. Anh em chúng tôi vẫn còn nhiều người nghèo lắm, có lần tôi đến chơi nhà một đồng chí mà phải đợi từ 6h đến 10h tối mới có cơm ăn. Hỏi mãi mới biết gia đình đồng chí đó phải chạy đôn chạy đáo đi vay gạo về nấu cơm. Hay có những người tôi đến thăm vẫn mặc chiếc áo sờn từ bao nhiêu năm trước, nhiều lần bọn tôi phải chả vờ cởi áo rồi bỏ quên để đồng đội có cái mặc. Tôi nghĩ là cuộc gặp mặt lần này có rất nhiều ý nghĩa, ngoài việc giúp mọi người được gặp lại đồng đội sau 40 năm xa cách thì đây còn là cơ hội để giúp đỡ lẫn nhau, người đã vững mạnh rồi sẽ giúp đỡ những người còn khó khăn, chỉ cho nhau phương hướng làm ăn, tạo điều kiện cho nhau phát triển kinh tế vượt lên làm giàu. Đó mới chính là cái đáng quý của tình đồng đội, đồng chí.
Cùng chung suy nghĩ với Đại tá Nguyễn Vương Thừa, đồng chí Lê Đức Toàn, Tổng giám đốc công ty Việt Thành một trong những người đã lên ý tưởng và đứng ra tổ chức cuộc gặp mặt lần này khẳng định: Mục đích lớn nhất của cuộc hội ngộ lần này là để anh em có cơ hội gặp lại nhau sau 40 năm xa cách. Nhưng tôi cũng mong rằng đây chính là cầu nối để từ nay anh em sẽ gần nhau hơn, sẽ có điều kiện hiểu thêm về cuộc sống của đồng đội mình và quan trọng nhất là có cơ hội để giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Đó mới chính là ý nghĩa lớn nhất, cách thể hiện cao đẹp nhất của tình đồng chí, đồng đội.
Lời nói luôn đi đôi với việc làm, chính anh Toàn là một trong những người đã đứng ra tổ chức và tài trợ cho các đồng đội có cơ hội thực hiện cuộc gặp mặt lần này tại Ninh Bình. Ngoài ra anh Toàn cũng luôn quan tâm vả về vật chất và tinh thần cho các hoạt động của Ban liên lạc truyền thống, tạo công ăn việc làm cho các hội viên CCB nghèo có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế gia đình, có cuộc sống ổn định. Chỉ tính riêng 3 năm trở lại đây, công ty của anh đã trích khoảng 4 tỷ đồng làm từ thiện như xây nhà tình nghĩa cho gia đình thương binh liệt sĩ, hội viên CCB, nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung hàng trăm triệu đồng… Thật đáng trân trọng những tình cảm đặc biệt mà các đồng chí, đồng đội đã dành cho nhau. Năm tháng dù có qua đi nhưng những tình cảm tốt đẹp ấy không thể phai mờ, sẽ còn mãi với thời gian.
Bài và ảnh:
Hoàng Linh, ANH HẢI