Ấm tình đồng đội nơi đất Cảng (05/08/2010)

Bài 2: Trọn nghĩa quê hương, vẹn tình đồng đội

Theo Đại tá Đỗ Mạnh Hùng, Chính ủy Bộ CHQS TP Hải Phòng, kiêm Phó ban chỉ đạo Đề án 873 thì “mặt trận” xóa đói giảm nghèo của Hội CCB tuy tiến hành chặt chẽ, có bề rộng và chiều sâu, thống nhất mỗi hộ được hỗ trợ 5 triệu đồng, nhưng năm đầu đã nảy sinh những khó khăn mới: Huyện hội Thủy Nguyên có hai hội viên nhận tiền về thì phát bệnh hiểm nghèo, tiền dùng cả vào chạy chữa mà vẫn không xong. Toàn thành phố có 22 hội viên qua đời như vậy, 9 hội viên khác thì thời tiết, dịch bệnh làm cho thất thu, không còn vốn. Ban chỉ đạo đã về từng nhà, lội ra ruộng để xem xét, rút kinh nghiệm, tìm ra những biện pháp tích cực hơn.

Thuộc địa bàn nội thành, Ban CHQS quận Ngô Quyền xác định thực hiện Đề án là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị. Hàng năm, Đảng ủy ra nghị quyết lãnh đạo và gắn với cuộc Vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Quận đội đã phối hợp vận động được 148 triệu đồng, tập trung xóa nghèo bền vững cho 13 gia đình, nay quận đang tập trung xóa nốt nghèo cho 5 hộ CCB còn lại.

Trở lại Huyện hội Thủy Nguyên, ông Hoàng Đắc Hân, Phó chủ tịch thường trực cho biết, huyện đang giúp đỡ cho 85 gia đình xóa nghèo, trong đó có 75 hộ cấp vốn bằng bò, lợn giống, 3 hộ hỗ trợ bằng phương tiện sản xuất, 7 hộ không có sức lao động được trao sổ tiết kiệm. Các cấp hội đã tích cực kiểm tra, động viên, uốn nắn, nay cả 78 hộ đều có hướng phát triển tốt, chăn nuôi lợn, bò sinh lãi từ 3 đến 5 triệu đồng, đời sống được nâng lên rõ rệt, có 53 hộ đã thoát nghèo.

Theo Trung tá Hoàng Hữu Dũng, Chính trị viên Ban CHQS quận Đồ Sơn, mảnh đất nổi tiếng về du lịch biển và lễ hội chọi trâu hàng năm thì các anh đang xóa nghèo cho 52 gia đình CCB. Cũng bằng các hình thức cung cấp vật nuôi, giống cây trồng, ngư cụ đánh bắt hải sản, công cụ chế biến nông sản, hải sản, có 19 hộ vươn lên tự khẳng định mình, 28 hộ phát triển tốt, 1 hộ được xây nhà tình nghĩa, giảm tỷ lệ nghèo từ 3,33% xuống còn 2,2%.

Năm 2006, Quận hội Kiến An có 42 hội nghèo (bằng 1,8%). Cùng với thực hiện Đề án, Hội mở 7 lớp tập huấn cho 210 hội viên về các mô hình kinh tế gia đình, tín chấp với Ngân hàng CSXH vay 13,8 tỷ đồng, vận động hội viên góp quỹ hội 560 triệu đồng cho hơn 1.500 lượt hội viên vay phát triển kinh tế. Riêng 24 hộ hội viên được hỗ trợ 5 triệu đồng có 11 hộ cấp bằng phương tiện, công cụ như: bò, lợn, xe xích lô... Hội viên Đinh Duy Chí (phường Phù Liễn) bị bệnh suy tim độ 3, đau dạ dày, sỏi mật sức khoẻ yếu, nhận một con bò nay đã sinh sôi thành 3 con, trị giá trên 20 triệu đồng. Hội viên Lê Thị Khuyến (phường Trần Thành Ngọ) chồng chết, một mình nuôi 2 con ăn học, được giúp đỡ 6 con lợn giống và thức ăn chăn nuôi, mỗi năm thu lãi từ 4 đến 5 triệu đồng. Hội viên Đinh Duy Công (phường Ngọc Sơn) được đầu tư bàn ghế, bát đĩa, nhà bạt và một xích lô, giải quyết việc làm cho 3 lao động, mỗi tháng thu từ 2 đến 2,5 triệu đồng... Hết năm 2009, Quận hội còn 20 hộ nghèo (bằng 0,8%), số hộ khá và giàu tăng lên 64%.

Hội viên Cao Đức Ngọc, xã Trung Lập (huyện Vĩnh Bảo), 61 tuổi tâm sự: Gia đình có 4 khẩu nhưng 2 con chúng tôi đều bị thiểu năng trí tuệ, không đi học được, chạy chữa nhiều nơi nên rất tốn kém. Khi nhận số tiền vốn 5 triệu đồng, hai vợ chồng rất trăn trở bảo nhau phải làm sao cho có hiệu quả để không phụ lòng tốt của anh em đồng chí, đồng đội. Nhiều anh em, chú bác trong họ, ngoài làng giúp đỡ thêm, tôi mua một bò cái 8 triệu đồng cho hai cháu chăn dắt, nay con bò đã để một con bê cái. Đề án đã tạo cho gia đình có công ăn việc làm, con bê có thể bán được 5 hoặc 6 triệu đồng, tôi quyết tâm xóa nghèo và phấn đấu trở thành hộ khá.

Cũng ở huyện Vĩnh Bảo còn có CCB Đoàn Văn Bệ, xã Quyết Tiến, vào bộ đội năm 1969, chiến đấu tại chiến trường Tây Nam Bộ. Năm 1973, trong một trận đánh ở Cai Lậy (Mỹ Tho), anh bị một đầu đạn AR15 găm cạnh cột sống, không thể lấy ra được, làm bại liệt 2 chân, mất sức 81%. Được đồng đội động viên, anh xây dựng gia đình rồi có 2 con và luyện tập kiên trì trong 10 năm để từ một người nằm liệt giường, tự ngồi lên xe lăn, rồi đi bằng nạng, bỏ nặng đi bằng chính đôi chân của mình. Từ một thủy quỹ tổ nuôi cá của HTX, đến nhận khoán 2,5 ha trại cá giống, Hội CCB, Ban CHQS giúp đỡ anh thành lập HTX Thương binh 27-7 với 56 thành viên đều là thương binh. Nay anh là Giám đốc Công ty TNHH Bình Trọng với khu trại cá 45 ha, mỗi năm sản xuất 500 triệu cá bột, nuôi hươu, nhím, ếch… kết hợp khai thác vận chuyển vật liệu xây dựng với hơn 100 lao động thường xuyên. Anh còn là Chủ nhiệm CLB Giám đốc Thương binh thành phố, Ủy viên thường vụ Hiệp hội doanh nghiệp Thương binh-CCB Hải Phòng, nhưng đồng chí, đồng đội và bà con vẫn gọi anh là “Tỷ phú chân đất”…

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết, đồng chí Dương Anh Điền, Phó bí thư thường trực Thành ủy, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng nhấn mạnh: Trong xã hội, người có thu nhập thấp, người nghèo vẫn còn nhiều. Chúng ta chọn CCB để xóa nghèo là đúng đối tượng, bởi lẽ CCB là biểu tượng đẹp của đất nước. Cùng với sự chăm lo của Đảng, Nhà nước và xã hội, người đi xóa nghèo lại là cán bộ chiến sĩ quân đội, dân quân tự vệ, dự bị động viên là rất đặc biệt, là hình ảnh đẹp về người đi sau giúp người đi trước, là một cuộc hành quân diệt giặc đói, diệt giặc dốt của những người lính Cụ Hồ. Tổng kết là rút kinh nghiệm để Đề án chuyển sang một giai đoạn mới, vì số hộ nghèo còn lại tuy ít nhưng rất khó xóa nghèo, chúng ta phải sáng tạo hơn, sao cho đến năm 2012 Hội CCB Hải Phòng không còn hộ đói nghèo… sự lan tỏa của Đề án rộng hơn tới các đoàn thể khác trong toàn thành phố.

Bài và ảnh: Tô Kiều Thẩm