Ấm áp “vành nôi” người lính Đặc công

Sư đoàn 305 ra đời trên chiến trường Khu 5 trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Kháng chiến 9 năm kết thúc thắng lợi, Sư đoàn tập kết ra miền Bắc làm nhiệm vụ phát triển kinh tế. Đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Sư đoàn chuyển thành Lữ đoàn Dù 305 và tháng 3-1967, tiếp tục chuyển thành Bộ Tư lệnh Đặc công 305. Sau một thời gian tham gia phát triển kinh tế, huấn luyện, củng cố quốc phòng, an ninh trên miền Bắc, từ năm 1961, nhiều đoàn cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn trở lại miền Nam chiến đấu, Sư đoàn đã thả dù tiếp tế hàng chục nghìn tấn vũ khí, lương thực xuống các chiến trường Thượng, Hạ Lào, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế; tăng cường 120 chiến đấu viên đặc công nhảy dù xuống mặt trận Khe Sanh, Huế. Khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, Sư đoàn phối hợp với Quân chủng Phòng không Không quân bố trí nhiều bãi vật cản trên không, làm 3 máy bay Mỹ phải đền tội. Khi chuyển sang binh chủng Đặc công, toàn bộ Sư đoàn đã vào Nam chiến đấu. Nhiều cán bộ của Sư đoàn đã trưởng thành, giữ nhiều trọng trách trong quân đội như Đại tướng Đoàn Khuê, Thượng tướng Đàm Quang Trung, Thượng tướng Nguyễn Minh Châu; các Trung tướng: Lư Giang, Nguyễn Đường, Nguyễn Lệnh, Võ Thứ, Đô đốc Hải quân Giáp Văn Cương, các Thiếu tướng: Nguyễn Bá Phát, Phan Hàm...
Ban liên lạc truyền thống CCB Sư đoàn 305 thành lập tháng 4-1992. Hai mươi hai năm qua, Ban liên lạc đã trao Kỷ niệm chương Sư đoàn 305 cho gần một nghìn CCB qua các thời kỳ; tổ chức hàng trăm đợt đi thăm chiến trường xưa trong Nam, ngoài Bắc và hoạt động tình nghĩa; động viên nhau tiếp tục cống hiến cho quê hương, đất nước. Đặc biệt, Ban liên lạc đã phối hợp tìm kiếm, quy tập được 61 hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang An Thái (Phú Thọ), làm từ thiện trên 60 triệu đồng...
Đại tá Đàm Trọng - nguyên Hiệu trưởng Trường sĩ quan Đặc công, năm nay vừa tròn 80 tuổi. Trong chống chiến tranh phá hoại của Mỹ trên miền Bắc, nghiên cứu các thủ đoạn đánh phá của không quân địch, ông Trọng được giao nhiệm vụ xây dựng vật cản bằng khinh khí cầu có gắn mìn định hướng. Loại hình vật cản này được bố trí trên không phận 8 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Quảng Ninh, Nam Định... ở độ cao gần 1.000 mét và đã có 3 máy bay AD6 Mỹ bị tiêu diệt trên bầu trời Quảng Trị, Hà Nội và Ninh Bình.
Hôm nay, đoàn Lạng Sơn về Hà Nội bằng chiếc ô tô 20 có mang băng khẩu hiệu với dòng chữ "Đoàn CCB Sư đoàn 305 tỉnh Lạng Sơn" do CCB Nhữ Ngọc Hùng phụ trách và tài trợ. Anh Hùng nhập ngũ năm 1975 vào Cục 2, Bộ Quốc phòng, được đi học Trường sĩ quan Khác-cốp (Liên bang Nga). Khi về nước, anh làm trợ lý kỹ thuật, Phòng Tham mưu, Sư đoàn 338 rồi lại trở về Cục 2 làm công tác ngoại tuyến phía Bắc. Sau khi rời quân ngũ, năm 1990, anh mở Công ty Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu. Những hàng hóa chủ yếu là ô tô, xe máy, điện máy và thiết bị xây dựng. Hiện nay Công ty của anh có hai chi nhành ở Hà Nội và Đà Nẵng, doanh thu hàng năm trên 10 tỷ đồng, tạo việc làn cho gần 100 lao động, thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Nhiều năm nay, anh ủng hộ hàng trăm triệu đồng cho các quỹ từ thiện, làm đường giao thông các địa phương công ty đứng chân. Đầu năm 2014 anh ủng hộ Hội CCB phường Đông Kinh, Thành hội Lạng Sơn 20 triệu đồng để tổ chức cho hội viên lên thăm chiến trường Điện Biên Phủ.
Chúng tôi gặp vợ chồng CCB Vũ Quốc Hùng, Nguyễn Thị Khai của Đoàn Nghệ An. Anh Hùng nhập ngũ năm 1966 vào Đội 1 Lữ đoàn Dù 305, sau chuyển về Đoàn 13 đặc công biệt động trên chiến trường Nam Lào, tham gia các chiến dịch Phu Kiệt, giải phóng Xiêng Khoảng; đánh các cao điểm Phu Lơ, Đầu Mầu trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị... Năm 1979, anh Hùng chuyển ngành về Ngân hàng Trung ương, rồi đi học Học viện Báo chí Tuyên truyền. Anh thành lập Công ty CP truyền thông EW (Tin tức thương mại Việt Nam), chuyên viết lịch sử các địa phương và đơn vị với 50 thành viên từ TP Vinh đến TP Hồ Chí Minh. Năm 1999, anh đưa người thân vào tỉnh Quảng Trị quy tập được 25 hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang quê nhà.
Lịch sử truyền thống xây dựng, chiến đấu và chiến thắng của Sư đoàn 305 là một tài sản vô giá, là “vành nôi” ấm áp đang được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, CCB của Sư đoàn kế thừa, phát huy trên mọi lĩnh vực công tác và cuộc sống.
Bài và ảnh: Xương Giang