Ai xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam?

Việt Nam có chủ quyền không thể bàn cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa,c x Trường Sa và vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Riêng phía ngoài vùng biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ do cấu tạo địa tầng, địa chất ở đây nên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam có chiều rộng tối đa đến 350 hải lý tính từ đường cơ sở (theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982)
Ai xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam? Phải khẳng định ngay rằng Trung Quốc đang quân sự hóa và từng bước khống chế và đi đến độc chiếm Biển Đông, trong đó có chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Chỉ riêng chủ quyền biển đảo của Việt Nam, thì ngay từ năm 1956, Trung Quốc đã đánh chiếm một số đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa, để đến tháng 1-1974, nhân cơ hội nước ta đang tập trung mở các chiến dịch giải phóng miền Nam, Trung Quốc huy động lớn lực lượng hải quân “chớp nhoáng” đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa; lúc đó quần đảo này do Quân đội Việt Nam Cộng hòa quản lý. Tháng 3-1988, Trung Quốc dùng lực lượng hải quân đánh chiếm 7 đảo chìm và bãi đá ngầm tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu bảo vệ đảo không cân sức này…
Ngày 25-2-1992, Trung Quốc thông qua đạo luật về lãnh hải xác định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, rồi cho Công ty Crestone của Mỹ thăm dò dầu khí phía Tây Trường Sa, ngay bên cạnh mỏ dầu Đại Hùng, nằm trên thêm lục địa của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam 250km… Đến ngày 15-5-1996, họ ra tuyên bố về đường cơ sở phần lãnh hải tiếp giáp với lục địa Trung Quốc và đường cơ sở tiếp giáp với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (Trung Quốc gọi là Tây Sa). Tháng 7-2006, Trung Quốc công bố “bản đồ chuẩn” trên mạng bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; tổ chức tua du lịch đến Hoàng Sa. Ngày 22-12-2007, Quốc vụ viện Trung Quốc thành lập TP. Tam Sa (cấp huyện) bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Ngày 26-9-2009, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) thông qua Luật Bảo vệ hải đảo. Theo luật này, Trung Quốc bao chiếm 2.900 đảo có diện tích trên 500m2 và hơn 10.000 đảo nhỏ hơn trên Biển Đông và ngang ngược yêu cầu lưu truyền trong các nước thành viên Liên Hợp quốc bản đồ thể hiện chủ quyền của Trung Quốc trong đường lưỡi bò (còn gọi là đường chữ U) đứt khúc 9 đoạn trên Biển Đông; đưa ra yêu sách chủ quyền đối với toàn bộ vùng biển trong “đường Lưỡi bò” với diện tích khoảng 2,8 triệu km2, chiếm 80% diện tích Biển Đông (khoảng 3,5 triệu km2); thành lập TP. Tam Sa bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; mời thầu quốc tế 9 lô dầu chồng lên các lô mà Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đang triển khai các hợp đồng thăm dò khai thác với các tập đoàn dầu khí của Nga, Ấn Độ, Mỹ.
Sáng ngày 30-11-2012, hai tàu cá Trung Quốc mang số hiệu 16025 và 16028 cố tình cản trở và gây đứt cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02 của Việt Nam, cách đảo Cồn Cỏ chỉ khoảng 43 hải lý; từ ngày 1-5 đến 15-7-2014, kéo dàn khoan HD-981 vào thăm dò trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trong thời gian này, hàng trăm lần tàu Trung Quốc đâm vào tàu Kiểm ngư, tàu Cảnh sát biển, tàu cá của ngư dân Việt Nam, làm cho 1 tàu chìm, hàng chục tàu hư hại nặng và hàng chục người Việt Nam bị thương…
Nghiêm trọng nhất là ngày 8-1-2005, tàu của Trung Quốc đã đuổi bắn hai tàu của ngư dân Việt Nam đang đánh cá tại vịnh Bắc Bộ; tàu của anh Phạm Văn Quân bị bắn chết một người, bị thương 5 người; một tàu khác bị bắn chết 8 người, bị thương 8 người khác; tàu và người còn lại bị Trung Quốc bắt giữ.
Bắt đầu từ cuối năm 2013 đến đầu năm 2016, Trung Quốc bồi đắp 7 đảo đá chìm (chiếm của Việt Nam 1988) và xây dựng sân bay quân sự, cảng quân sự; lắp đặt hệ thống ra-đa tần số cao phục vụ mục đích quân sự ở 4 đảo Gaven, Gạc Ma, Tư Nghĩa, Châu Viên; 2 hệ thống với 8 bệ phóng tên lửa đất đối không HQ-9 tại đảo Phú Lâm thuộc Trường Sa của Việt Nam…

  • Khi tôi đang hoàn chỉnh bài viết này thì lại nhận được tin Trung Quốc vừa đưa máy bay quân sự Y8 hạ cánh xuống đảo Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm giữ trái phép. Số báo ra ngày 18-4 của Nhật báo Quân Giải Phóng Nhân dân Trung Quốc đã chính thức thừa nhận hành động đó.
    Những hành động của Trung Quốc đã vi phạm thô bạo và trắng trợn Hiến chương Liên Hợp quốc, 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình; Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Nam Trung Hoa (DOC) 2002 và những nguyên tắc được công nhận rộng rãi khác của luật pháp quốc tế mà Trung Quốc đã cam kết và ký kết.
    Có thể nói rằng hiện nay chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trên Biển Đông đã, đang bị Trung Quốc xâm phạm hết sức nghiêm trọng và trở thành vấn đề nghiêm trọng nhất đối với an ninh quốc gia nước ta.
    Thiếu tướng PGS.TS Lê Văn CươngNguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an