Ai nói hay?
(CCBVN tháng 3/2014)Từ ngày Đài Tiếng nói Việt Nam mở Chuyên mục “Theo dòng thời sự” trên Hệ VOV1, Đài nhận được khá nhiều thư của thính giả gửi về khen, cho rằng họ thường xuyên theo dõi chuyên mục này và thấy rất thú vị. Nhưng cũng nhiều người đưa ra một nhận xét chung là: Thường chỉ có các cụ về hưu là nói hay thôi. Còn các bác đương chức lại rất nhạt. Nhiều người nói nhiều mà không có nội dung. Nghĩa là không thấy có trữ lượng thông tin gì cả. Nhiều lúc, tôi nghĩ, hay là họ đã ngồi nhầm chỗ? Nhưng không. Kẻ nhầm lẫn là tôi chứ không phải họ. Họ thực sự là những người tài, thậm chí rất tài, lại được đặt đúng vị trí. Nhưng có điều, họ vẫn không phát huy được hiểu quả, mà chỉ bừng sáng khi đã rời vị trí quyền lực. Còn khi đương chức, không ít người cứ lúng búng như gà vướng tóc.
Nhận xét đó rất đáng lưu ý. Quả đúng như vậy. Tôi cũng đọc không ít bài phỏng vấn. Lại theo dõi nhiều cuộc giao lưu của không ít vị cán bộ trên các kênh truyền thông và thấy không mấy ấn tượng, bởi họ không đưa ra được điều gì mới mẻ, cho thấy kiến thức và tư duy của họ cao hơn người dân bình thường. Gần đây, theo dõi trên các kênh truyền thông chính thống, tôi thấy có một đề xuất rất hay rằng: “Đã đến lúc chúng ta phải đối mặt với sự thật, dù xót xa, cay lòng, nhưng suy đến cùng sự thật bao giờ cũng có sức thuyết phục cao nhất. Vì thế nguyên TBT Đảng cộng sản Bungary Todor Zhivkov đã từng nói: "Điều quý giá nhất của thế giới và hành tinh chúng ta là niềm tin cậy và sự thật. Sự thật sẽ sáng tạo thế giới, và mọi sự giả dối đều phá hoại thế giới".
Cứ như đề xuất của ông thì: “Từ năm 2014 trở đi cần phát động cao trào nói thật, báo cáo đúng. Mọi báo cáo của địa phương, cơ sở, doanh nghiệp đều phải thẩm định, ai báo cáo sai phải xử lý nghiêm túc đối với người báo cáo, người duyệt số liệu và người đứng đầu, nhất là những số liệu cốt lõi của nền kinh tế. Cần điều chỉnh một số tiêu chí thống kê cho sát với thực tế để dễ cân đong, đo đếm hơn, ví dụ: Thước đo GDP hiện nay tỉnh thành nào cũng tăng trên 10% mà cả nước chỉ tăng trên 5%, thật là khó hiểu. Hay như năm 2013, chỉ tiêu nào cũng tăng (vì dễ nói dối) nhưng thu ngân sách lại giảm, vì tiền được "điểm danh" qua Kho bạc Nhà nước nên khó nói dối hơn. Phải coi bệnh nói dối kéo dài đã đến hồi phải kết. Thà kết thúc bằng một nỗi đau để làm lại từ đầu còn hơn tiếp tục kéo dài nỗi đau mà chưa biết khi nào kết thúc. Nói dối kéo dài, bản chất cũng là lừa đảo. Phải xử tội nói dối như tội danh lừa đảo thì mới nghiêm túc, triệt để…”
Đúng quá!
Người đưa ra đề xuất sắc sảo này cũng lại là một bác đã về hưu. Tôi cứ nghĩ, nếu như lúc bác đang làm Bộ trưởng, bác triển khai luôn ý tưởng tốt đẹp này ở chính ngành bác quản lý thì hay biết bao. Biết đâu đó lại là một điển hình cho cách làm ăn mới mà chúng ta có thể nhân rộng ra cả nước.
Sao lại chỉ về hưu mới nói hay; mới có những đề xuất sắc sảo nhỉ? Hoặc là cơ chế không mở hướng cho người đương chức “mở mồm” nói thật; hoặc là chính họ “ngậm miệng ăn tiền”; hoặc là “thưởng, phạt” đánh giá cán bộ không nghiêm minh; hay là cấp trên chỉ thích nghe chung chung, đại khái như thế? Tóm lại có thể hiểu là cái ghế hư ảo của quyền lực đã làm họ tự “trói” mình. Nghĩa là công tác tổ chức phải “chữa” cái ghế quyền lực ấy, để không chỉ các cụ về hưu mới phát sáng./.
Trần Đăng Khoa