AI BIẾN ĐĂNG KIỂM THÀNH “PHIÊN CHỢ”?
Từ Tâm
Câu chuyện Công an TP.HCM phát hiện, mở rộng điều tra đường dây đưa hối lộ, nhận hối lộ, giả mạo trong công tác tại các Trung tâm đăng kiểm (TTĐK) phương tiện cơ giới đường bộ trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, khiến dự luận thực sự “giật mình” và rơi vào tâm trạng “tin ai bây giờ?”.
Không chỉ phía Nam, vừa qua, Giám đốc, Phó giám đốc Trung tâm đăng kiểm cơ giới đường bộ 99-03D ở Bắc Ninh và hơn chục đăng kiểm viên lại bị công an tỉnh Bắc Ninh khởi tố để làm rõ tội “nhận hối lộ”. Câu hỏi đặt ra, sẽ còn bao nhiêu TTĐK khắp cả nước đang là “chợ”?
Vụ án không chỉ làm giật mình vì đường dây hối lộ, các TTĐK bị biến thành nơi “mua – bán”, đóng dấu “bảo hành” cho sai phạm của các chủ phương tiện cơ giới đường bộ, mà giật mình vì mục đích của đăng kiểm là bảo đảm an toàn giao thông của các phương tiện.
Xin nhắc lại, trước đây các TTĐK xe cơ giới đều là đơn vị sự nghiệp Nhà nước, chỉ một số đơn vị được thí điểm đầu tư, hoạt động theo mô hình xã hội hóa. Từ năm 2019, quy định về phát triển TTĐK theo quy hoạch vùng, địa phương được gỡ bỏ, “xã hội hóa” bắt đầu. Và có lẽ cũng từ ấy “xã hội hoá” luôn cán bộ có liên quan đến đăng kiểm của ngành giao thông vận tải và bắt đầu có dấu hiệu nhộn nhịp “sân sau”, “lợi ích nhóm”…
Khi 9 TTĐK phía Nam bị phát giác thì Bộ GTVT mới hình như “tá hỏa” và ra “công điện”; yêu cầu Cục ĐKVN rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định để kịp thời khắc phục sơ hở, bất cập nhằm loại bỏ cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm định phương tiện; nhận diện từng khâu, từng vị trí công tác tiềm ẩn, dễ phát sinh tiêu cực để xây dựng, thực hiện các giải pháp, biện pháp cụ thể phòng ngừa, kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm định.
Thanh tra là một chức năng thiết yếu của cơ quan quản lý nhà nước, là nội dung không thể thiếu của quản lý nhà nước, là giai đoạn cuối cùng trong chu trình quản lý, có vai trò kiểm định, đánh giá hiệu quả của quản lý nhà nước. Hay nói cách khác, không thanh tra, công tác quản lý nhà nước chưa đầy đủ. Chính vì thế, trong bộ máy Nhà nước, từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương đâu cũng có lực lượng thanh tra.
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ (năm 2008), xe ô tô tham gia giao thông phải bảo đảm các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, xe ô tô phải được kiểm tra định kỳ về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (kiểm định) tại cơ sở đăng kiểm được Bộ Giao thông vận tải cấp giấy phép mới được phép lưu thông. Để làm đúng các quy định của luật pháp về đăng kiểm, phải thanh tra, kiểm tra
Đáng tiếc, nhiều nơi, nhiều lúc “thanh tra” với tư cách là hoạt động chỉ “hình thức”, cơ quan thanh tra với tư cách là tổ chức không có hoạt động, buông lỏng nhiệm vụ, có cũng như không. Điều đáng buồn, là ở Việt Nam tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” đã trở thành muôn thuở. Sau khi tiêu cực “mua – bán” một số TTĐK bị Công an khởi tố, điều tra; Bộ Công an mới “chỉ đạo nóng” Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Thực tế là, công tác kiểm định còn rất nhiều thiếu sót, tồn tại, vi phạm của đăng kiểm viên, đăng kiểm viên thực tập có chiều hướng gia tăng, không thực hiện đầy đủ nội dung kiểm định, bỏ lỗi vi phạm kỹ thuật phương tiện cơ giới đường bộ, kiểm tra phương tiện không đúng quy định. “Khi bị bắt có giám đốc TTĐK còn không biết viết, không biết đọc. Hỏi thì người này khai học hết lớp 3 từ 50 năm trước nên không biết chữ nhưng vẫn lên làm giám đốc”, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 3-1-2023. Kinh hoàng và “Buồn ơi là buồn!”...
Người dân có quyền đặt câu hỏi, ai thẩm định, cấp phép hoạt động của các TTĐK vừa bị “sờ gáy”. Nghị định 139/2018/NĐ-CP ngày 8-10-2018 của Chính phủ quy định rõ về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự (gọi chung là xe cơ giới); quản lý, hoạt động và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Nếu làm theo đúng điều 7 quy định “Điều kiện về nhân lực”, điều 14 về “Đăng kiểm viên”, điều 34 “Lãnh đạo đơn vị đăng kiểm”, chắc chắn không thể có giám đốc “không biết đọc, biết viết”. Không chỉ Bộ GTV mà UBND các tỉnh và Sở GTVT các địa phương đã làm gì khi buông lỏng chức trách thanh tra, kiểm tra? Đấy là chưa nói đến, cán bộ, chuyên viên các Phòng chức năng của Cục ĐKVN và lực lượng thanh tra chuyên ngành ngành đã được xây dựng trong sạch vững mạnh chưa? Thực tế là họ đã tham gia vào đường dây nhận hối lộ.
Chưa đòi hỏi sáng tạo gì hơn mà chỉ cần làm đúng, làm hết thẩm quyền quản lý nhà nước, là chắc chắn không có kiểu đăng kiểm dở hơi này. Lần này nếu không có cán bộ nào của ngành giao thông bị xử lý kỷ luật thì có thể nói cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng vẫn còn lắm gian nan.
TT