9 nhóm giải pháp chỉ đạo thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 (11/01/2013)

Nghị quyết nêu rõ, năm 2012, mặc dù nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, nỗ lực của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, nền kinh tế nước ta đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, áp lực lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn lớn; thị trường tiền tệ chưa thực sự ổn định, lãi suất cho vay tuy đã giảm nhưng vẫn còn cao, nợ xấu có xu hướng gia tăng; sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là trong tiếp cận vốn tín dụng, hàng tồn kho cao; thị trường bất động sản trầm lắng; thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh. Đời sống của người dân, nhất là các đối tượng chính sách, người nghèo, người lao động có thu nhập thấp vẫn còn khó khăn. Tai nạn giao thông tuy giảm nhưng còn ở mức cao. Tình trạng khiếu kiện, tội phạm, tệ nạn xã hội, tham nhũng còn diễn biến phức tạp,… Thực trạng này đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng và quyết tâm cao hơn nữa của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong thời gian tới.

Để thực hiện có kết quả các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan Trung ương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện 9 nhóm giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Theo đó, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng, hiệu quả; thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm; đẩy mạnh phát triển thương mại, tăng cường thu hút đầu tư; tăng cường kiểm soát giá cả, thị trường; nâng cao chất lượng công tác thống kê, dự báo.

Hai là, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Theo đó, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, xử lý hiệu quả nợ xấu; tập trung hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho; tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh.

Ba là, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Theo đó, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược; tăng cường chất lượng và bảo đảm thực hiện quy hoạch; thực hiện quyết liệt, hiệu quả các trọng tâm tái cơ cấu kinh tế; tăng cường chuyển dịch cơ cấu và nâng cao hiệu quả các ngành, vùng kinh tế; tập trung nguồn lực, nâng cao hiệu quả phát triển nông nghiệp, nông thôn; bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phân cấp quản lý nhà nước.

Bốn là, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Theo đó, tăng cường tạo việc làm, bảo đảm thu nhập cho người lao động; thực hiện cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm an toàn lao động; thực hiện tốt các chính sách đối với người nghèo, đối tượng chính sách; tăng cường công tác phát triển thanh niên, chăm sóc trẻ em, bảo đảm bình đẳng giới, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi.

Năm là, phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Sáu là, tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bảy là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phòng chống tham nhũng lãng phí, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và xây dựng đời sống văn hóa.

Tám là, bảo đảm quốc phòng an ninh và ổn định chính trị, xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

Chín là, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội.

Căn cứ Nghị quyết này và các Nghị quyết liên quan của Đảng, Quốc hội, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện ngay trong tháng 1/2013 chương trình hành động cụ thể của Bộ, cơ quan, địa phương; xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian, đơn vị chủ trì thực hiện, đưa vào Chương trình công tác của Chính phủ, Bộ, cơ quan, địa phương để triển khai thực hiện.

Đồng thời, tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp trong Nghị quyết, các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; chủ trì, chỉ đạo trực tiếp triển khai thực hiện Nghị quyết này và chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện Nghị quyết trong lĩnh vực và theo chức năng, nhiệm vụ được giao cho từng Bộ, cơ quan, địa phương…

Theo ĐCSVN

(TH)