80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam: Nhìn lại và suy ngẫm
Bác Hồ và đồng chí Trường Chinh.
Những ngày này, cả nước đang có nhiều hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023). Trong đó, Hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển”, là điểm nhấn quan trọng.
Chúng ta bồi hồi nhớ lại thời điểm đó của cách mạng. Tổng Bí thư Trường Chinh thay mặt T.Ư soạn thảo và Đề cương được thông qua vào tháng 2-1943. Đề cương xác định văn hoá là một trong ba mặt trận cách mạng (chính trị, kinh tế, văn hoá). Đồng thời, nêu rõ nguy cơ của nền văn hoá Việt Nam khi đó; phân tích mối quan hệ giữa chính trị và văn hoá; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với văn hoá.
80 năm, từ “thân phận nô lệ”, năm 1945 nhân dân ta đã giành chính quyền, năm 1975 hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước, từ đó đến nay đang xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH). 80 năm, lịch sử qua nhiều khúc quanh, nhưng giá trị nền tảng, bền vững mà Đề cương xác lập, còn nguyên vẹn. Nói cách khác, Đề cương Văn hóa năm 1943 đã, đang và sẽ tiếp tục là dòng chảy chủ lưu để đất nước phát triển.
Trong Di sản Hồ Chí Minh để lại, có di sản về văn hóa. Bởi, trước hết Hồ Chí Minh là một biểu tượng văn hóa. Năm 1946, khi là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trả lời các nhà báo trong và ngoài nước, Bác nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Đó là câu nói của một tâm thức văn hóa. Không phải ngẫu nhiên UNESCO vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà Văn hoá kiệt xuất của Việt Nam” (Nghị quyết số 24C/18.65).
Tư tưởng của Bác về văn hóa có thể chỉ cần gói gọn trong câu: "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi".
Văn hóa rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển của mỗi quốc gia. Mọi chiến thắng của Dân tộc đều là chiến thắng của Văn hóa. Chiến thắng của nhân dân ta trước chủ nghĩa thực dân, đế quốc trước đây, thực chất là chiến thắng của văn minh trước bạo tàn. Biết bao thế hệ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và giữ vững biên cương, hải đảo; trong đó rất nhiều người đã ngã xuống hoặc để lại một phần cơ thể trên chiến trường. Biết bao đồng bào đã “Xe chưa qua, nhà không tiếc”. Biết bao người mẹ đã dâng hiến những đứa con rứt ruột đẻ ra vì đất nước. “Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi, Việt Nam ơi” (thơ Nam Hà), đó là hành động văn hóa, vì văn hóa.
Ngay cuộc chiến chống Covid-19 trong 2 năm qua (2020-2021) cũng là sự cảnh tỉnh về văn hóa. Việt Nam đẩy lùi được Covid-19 ngoài sự góp phần quan trọng của vắc-xin, có sức mạnh nội sinh văn hóa của dân tộc. Không ai bị bỏ lại phía sau, chung sức đồng lòng, chia sẻ, bọc đùm lúc dịch giã...; đó là giá trị của đạo lý, nhân văn, những thành tố quan trọng của văn hóa.
Nhà Văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng xác định mối quan hệ giữa văn hóa, văn nghệ với kinh tế và chính trị: "Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị". Trong một gia đình, con ngoan, học giỏi, có khát vọng vươn lên... phần lớn có dấu ấn của “nếp nhà”, “gia phong” tổ tiên, ông cha để lại, sự mẫu mực của bố mẹ. Đó là văn hóa, theo nghĩa hẹp. Đối với một xã hội, thước đo phát triển kinh tế chính là văn hóa. Văn hóa “điều tiết” sự phát triển xã hội, định hướng phát triển, đích phấn đấu của xã hội, với tư cách cộng đồng. Một xã hội “thượng tôn pháp luật” đó là một xã hội có văn hóa.
Nếu tính từ Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 7-11-2006 của Bộ Chính trị (Khóa X), thì đến nay đã hơn 16 năm, trong Đảng đã có cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Năm 2016 là Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa XII). Sau này, cuộc vận động được gắn với phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Về bản chất đó là cuộc vận động, cuộc đấu tranh vì văn hóa trong Đảng.
Đáng tiếc, nhiều “thang giá trị”, trong Đảng, ngoài xã hội đang bị các biến thái “xâm thực”... Chưa bao giờ cán bộ, đảng viên (kể cả cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý) lại sai phạm như hiện nay. Chưa bao giờ, quan hệ giữa con người với con người trong xã hội thiếu nhân ái như hiện nay. Điều đó cho thấy, “văn hóa người”đã xuống cấp âm thầm.
Điều dễ thấy “tư duy nhiệm kỳ”, “tư duy giữ ghế”, “tư duy lợi ích nhóm” còn chi phối. Nhiều vị lãnh đạo chưa có văn hóa nêu gương, văn hóa phụng sự. Trong Đảng, trong Quân đội và hệ thống chính trị nói riêng “chủ nghĩa vật chất” đang được tôn thờ, tham - sân - si vẫn “chế ngự”, có cơ hội là phát tác như khối “ung thư” đạo đức. Không phải ngẫu nhiên, lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi chủ nghĩa cá nhân là giặc nội xâm, kẻ thù của những người cách mạng. Người nói: “Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá từ trong phá ra”.
Chúng ta rất buồn khi nhắc lại các vụ việc từng gây chấn động gần đây. Không ai tin được ông Trịnh Văn Quyết - 47 tuổi, Chủ tịch tập đoàn đình đám FLC, Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Trương Mỹ Lan một CEO “bí ẩn” của Vạn Thịnh Phát lần lượt bị khởi tố, bắt tạm giam. Chúng ta hay kêu gọi “đạo đức kinh doanh” của doanh nhân, nhưng xem ra, “Lợi nhuận ba trăm phần trăm thì dù phải đóng đinh vào đầu, tư bản vẫn làm” (Các Mác).
Đạo đức là nền tảng của văn hóa. Chính “chủ nghĩa vật chất” đã làm cho các quan chức trở thành “nô bộc” của Việt Á, tham gia vào đại án “giải cứu”; làm cho Tư lệnh, các Phó tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam sa ngã. Và, chuyện vừa mới xảy ra, nguyên Giám đốc Công an Hải Phòng - Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca bị khởi tố, bắt giam vì tội lừa đảo, chiếm đoạt 35 tỷ đồng của một nhóm người hoạt động phạm pháp.
Nghịch lý là đời sống được nâng lên, nhưng văn hóa đã và đang biến thái, xuống cấp; từ gia đình, đến trường học, bệnh viện, cơ quan... nhìn đâu cũng thấy!
Chính vì thế, tháng 11-2021, Đảng ta tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu, đã nói đầy thấm thía: “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”. “Còn những gì xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi... là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa. Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”. Tổng Bí thư hai lần nói về hạnh phúc của con người như thế, với tất cả tình cảm, trách nhiệm với đồng chí, đồng bào.
Từ “Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943” đến các Hội nghị Văn hóa toàn quốc 1946, 1948, 2021 đã thể hiện ý nghĩa của văn hóa, chứng minh nhận định, cương lĩnh về văn hóa của Đảng. Đó là một hành trình dài của nhận thức; ngược lại thời gian đó đủ để chứng minh tầm tư duy của Đảng ta về văn hóa.
Chắc chắn rằng, những tư tưởng của Đảng trong “Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943” còn phát huy mãi giá trị. Nhận thức về văn hóa và các lĩnh vực thuộc về văn hóa của Đảng từ đó đến nay đã từng bước được hoàn thiện, cụ thể hơn, đặt ra những yêu cầu mới gắn liền với mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử cách mạng. Suy cho cùng, văn hóa luôn là dòng chảy của khát vọng.
Ngô Đức Hành