7 nhiệm vụ trọng tâm đẩy lùi tội phạm
Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP) yêu cầu Ban Chỉ đạo 138 các cấp trong thời gian tới tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh hiệu quả tội phạm.
Cụ thể, một là, tham mưu cấp với ủy, chính quyền các cấp tổ chức quán triệt sâu rộng Kết luận số 05 của Ban Bí thư, Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm và Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ, cụ thể hóa bằng các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động thực hiện tại đơn vị, địa phương.
Thực hiện nghiêm Quy định số 181 của Bộ Chính trị về xử lý đảng viên vi phạm và kết luận số 05 của Ban Bí thư về trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong phòng, chống tội phạm; xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tham nhũng, tiêu cực; nơi nào để xảy ra phức tạp về an ninh, trật tự kéo dài thì người đứng đầu, người phụ trách địa bàn phải chịu trách nhiệm.
Hai là, các bộ, ngành được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì thực hiện các đề án trong Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm, Chương trình phòng, chống mua bán người cần tập trung nghiên cứu, xây dựng, phê duyệt trong năm 2016. Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành khẩn trương hoàn thành Chương trình của Chính phủ để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược giai đoạn 2016 - 2020 trong Quý IV/2016 gắn với hoàn thiện thể chế. Tổ chức sơ kết 02 năm thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội.
Ba là, tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, hướng mạnh hơn về cơ sở, chú trọng các địa bàn trọng điểm, phức tạp, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, học sinh, sinh viên… Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 1/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới; giải quyết các tranh chấp từ cơ sở, ngăn chặn không để nảy sinh tội phạm, diễn biến phức tạp, khiếu kiện đông người, kéo dài; xây dựng và nhân rộng các mô hình tốt trong nhân dân về phòng, chống tội phạm theo hướng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải về an ninh, trật tự ở cơ sở.
Bốn là, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm. Thường xuyên bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ, nâng cao năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm “vì nhân dân phục vụ” cho đội ngũ cán bộ các cơ quan thực thi pháp luật xứng đáng là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của nhân dân. Nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, không để xảy ra oan sai; đồng thời, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xét xử các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nhất là các vụ án tham nhũng được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quần chúng nhân dân quan tâm; tăng cường hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; công tác lập hồ sơ đưa đối tượng vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, trung tâm cai nghiện.
Năm là, các bộ, ngành trong phạm vi trách nhiệm của mình khẩn trương rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống các luật, bộ luật mới liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách pháp luật hình sự, dân sự, kết hợp chặt chẽ giữa cải cách tư pháp với cải cách hành chính; đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng xây dựng các dự án Luật phòng chống tội phạm có tổ chức, Luật truy nã tội phạm, Luật bảo đảm trật tự an toàn xã hội, Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi bổ sung, Luật bảo vệ nhân chứng, Luật phòng, chống tham nhũng.
Sáu là, Bộ Công an và các cơ quan chuyên trách tăng cường công tác nắm, dự báo tình hình để xác định rõ, chỉ đạo đột phá trong phòng, chống tội phạm, nhất là các loại tội phạm nghiêm trọng nổi lên trong thời gian qua, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội của đất nước như: Tội phạm về tham nhũng, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, tội phạm mua bán người, tội phạm giết người, đặc biệt là giết người do nguyên nhân xã hội, tội phạm ma túy, tội phạm lừa đảo, tội phạm trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp, tội phạm môi trường, tội phạm công nghệ cao, vi phạm pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm... để điều tra, truy tố và đề xuất các giải pháp cần chỉ đạo thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Bảy là, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm với các nước và các tổ chức quốc tế, ưu tiên hợp tác với các nước có chung đường biên giới, các nước trong khối ASEAN, các nước có quan hệ truyền thống, các nước lớn và các nước phát triển, các nước có nhiều công dân Việt Nam đang sinh sống và học tập. Tổ chức thực hiện tốt các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; nghiên cứu xây dựng, đàm phán, ký kết hoặc phê chuẩn các điều ước quốc tế liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, phòng, chống mua bán người, đặc biệt là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Trước mắt, nghiên cứu, đề xuất đàm phán, ký Công ước phòng, chống tội phạm giữa các nước ASEAN.