“64 đứa con của tui không chết mô”
Làng biển Tân Định, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình lâu nay vốn nổi tiếng với nghề truyền thống làm khoai deo. Ở ven biển nhưng thuộc diện bãi ngang nên bao đời nay bà con vẫn nghèo. Gia đình ông Hoàng Văn Nhỏ (thường gọi là ông Hoàng Đói) lưu lạc từ làng biển Lý Hoà vào Tân Định, vốn đã nghèo lại đông con. Tuy vậy năm nay ở cái tuổi gần 90, lưng còng lắm mà trí nhớ của ông vẫn rất tốt.
Khi chúng tôi đến thăm và gợi chuyện về anh con trai Hoàng Văn Tuý của cụ đã anh dũng hy sinh ở đảo Gạc Ma để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, ông kể:
- Tôi có 8 đứa con, 6 trai 2 gái, thằng Tuý là con thứ tư trong gia đình. Nó là đứa khoẻ mạnh, hiền lành và bơi lội giỏi. Hồi ở nhà, sau khi đi học về là nó leo lên thuyền phụ giúp bố mẹ chăng lưới bắt cá. Cả làng này ai cũng nghèo, không có thuyền to nên chỉ đánh bắt gần bờ, chủ yếu phục vụ bữa ăn và bán lấy tiền đong gạo. Năm 1985, Tuý nhập ngũ vào Vùng 3 Hải quân, đóng ở Đà Nẵng. Ba năm xa nhà, nó chỉ nghỉ phép được một lần, về giúp mẹ sửa lại cái nhà bếp rồi đi. Tội nghiệp, lúc hy sinh nó chưa có người yêu. Chuyến về thăm nhà cuối cùng của nó là vào dịp Tết năm 1988, về đúng đêm giao thừa và cũng chỉ được hai ngày rồi vội vã cùng đơn vị ra đảo.
Kể đến đây, ông Nhỏ quá xúc động, tay run run lấy khăn lau nước mắt. Anh Hoàng Văn Tăm là em trai của LS Hoàng Văn Tuý ngồi bên cạnh kể tiếp: - Nghe đài đọc danh sách 64 chiến sĩ công binh Hải quân hy sinh ở đảo Gạc Ma có anh Túy, bố tôi khóc hu hu. Còn mẹ tôi thì gào lên được một câu rồi ngất xỉu. Gia đình nghe trên đài đọc mấy lần vẫn chưa tin, chỉ mong họ đọc nhầm. Bốn tháng sau khi có giấy báo tử của Quân chủng Hải quân, gia đình mới lập bàn thờ và cúng cho anh.
Khi chúng tôi đến thăm, trên bàn thờ của gia đình ông Hoàng Văn Nhỏ, ngoài di ảnh của LS Hoàng Văn Tuý còn có di ảnh của bà Hoàng Thị Tròn, mẹ anh Tuý. Bà mới mất năm ngoái. Lúc còn sống chiều nào bà cũng ra nhìn về phía biển, nơi con trai bà hy sinh mà không thấy hài cốt. Máu xương các anh đã hoà vào biển cả đầy sóng gió. Không có mộ chí để hàng năm cúng viếng, ông bà bàn với nhau xin phép chính quyền lập một ngôi mộ gió ở Nghĩa trang liệt sỹ xã Hải Ninh để hàng năm hương khói cho con. Cứ đến ngày giỗ, ngày 27-7 hoặc bất cứ khi nào nhớ con là bà ra nghĩa trang nói chuyện với anh Tuý, cho đến khi bà qua đời ở tuổi gần 90.
Và cũng 28 năm qua, kể từ ngày anh Tuý hy sinh trong cuộc hải chiến không cân sức ở đảo Gạc Ma, gia đình ông Nhỏ lập bàn thờ cúng vái thường xuyên.
Trước kia, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông lập bàn thờ cúng cho liệt sỹ Hoàng Văn Tuý và đồng đội của anh đơn sơ. Kê tấm bàn vuông hướng ra biển, ông khấn: “Hôm nay là ngày giỗ của các con, các con nằm lại giữa biển khơi để bảo vệ Tổ quốc, bọ không có chi, chỉ có ba chén rượu nhạt và nén hương thắp lên đây mời các con cùng về dự…” Mâm cỗ của cụ đơn sơ, chủ yếu là cháo trắng và hoa quả với tấm lòng thành kính. Phong tục của địa phương này khi cúng thường kê bàn hướng về phía Tây Nam, nhưng cụ lại hướng về phía Đông, nơi anh Tuý và đồng đội của anh đã ngã xuống.
Thấy hoàn cảnh ông bà quá khó khăn, nhà cửa tạm bợ, Trung đoàn 83 Vùng 3 Hải quân và Công ty TNHH địa ốc Hoà Bình đã ủng hộ gia đình 120 triệu đồng để làm lại nhà. Con cháu tuy nghèo nhưng cũng góp thêm tiền để xây lại cho ông bà một ngôi nhà chắc chắn, rộng chừng 80m2 để tránh bão. Năm 2011, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Tập đoàn Cao su Việt Nam đến thăm và hỗ trợ cho gia đình ông 30 triệu đồng nữa. Số tiền 30 triệu này ông trích ra một ít làm cái bàn cúng to hơn so với bàn cũ để đủ đặt mâm cúng và 64 cái bát, 64 đôi đũa; còn lại ông giữ chỉ để mua đồ làm lễ cúng cho 64 liệt sỹ đảo Gạc Ma, mà không dùng vào việc gì khác, kể cả mấy lần ông ốm liệt giường ông cũng không lấy tiền đó ra chi tiêu.
Hiện nay trong ngôi nhà mới, ông Nhỏ sống với người con trai út là anh Hoàng Văn Vũ. Hằng năm vào đúng ngày 28 tháng giêng (dịp 14/3 dương lịch), ngày mất của các anh, ông Nhỏ phân công con cháu trong nhà, ai lo việc nấy chu tất để sắm mâm cỗ cúng các liệt sỹ.
Đúng 11 giờ trưa, ông Nhỏ mặc bộ đồ sa-tanh màu nâu gụ, hướng về biển Đông, lầm rầm khấn vái, một bài khấn tuy đã thuộc lòng nhưng ông vẫn cầm tờ sớ đọc với sự tôn kính: “Thưa các Anh hùng ở đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hôm nay là ngày 28 tháng Giêng nhằm ngày 14-3 dương lịch; là ngày các con đã anh dũng chiến đấu và ngã xuống tại đảo Gạc Ma để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Bọ mong các con sống khôn chết thiêng, lúc sống đã đoàn kết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, nay về với biển, anh em càng đoàn kết hơn và phù hộ độ trì cho các em con tiếp tục bảo vệ biển đảo máu thịt của Việt Nam. Ở trong này, bọ mạ và các em cùng bà con luôn nhớ đến các con…”
Có người thắc mắc, sao không gọi là các Anh hùng Liệt sỹ mà chỉ gọi là Anh hùng thôi, cụ nói: - Liệt sỹ thì đã chết, nhưng 64 đứa con của tui không chết mô. Chúng nó đang sống trong lòng biển, trong gia đình tui, làng xóm tui, để tiếp tục bảo vệ biển đảo quê hương!
Ra thế. Đối với ông Nhỏ, con trai ông cùng 63 người con khác đang sống giữa biển khơi… Cũng bởi vậy chiều nào ông cũng ra dõi mắt nhìn về phía Đông như chờ đợi ngày họ trở về. Những đêm trăng sáng, lúc nào ông đứng trên bờ biển ngắm các vì sao ở ngoài khơi xa, những ngôi sao biển như 64 người con của ông, sáng lấp lánh giữa trùng khơi…
Việc cúng bái tế lễ hằng năm của ông Nhỏ bây giờ có nhiều người trong xóm đến dự, trong đó có lớp trẻ, những tiềm thức non nớt của làng biển đã hiểu thêm về sự hy sinh của cha ông qua lời khấn vái đầy ý nghĩa của ông.
Chính vì thế mà ở xã Hải Ninh này các phụ huynh của Trường Tiểu học đã tự nguyện đóng góp được 60 triệu đồng để xây dựng một cột mốc chủ quyền Trường Sa rất đẹp ngay trong khuôn viên nhà trường, để ngày ngày nhắc nhở các em về ý thức bảo vệ biển đảo quê hương.
ảnh : 1- Ông Hoàng Văn Nhỏ bên bàn thờ cúng 64 liệt sỹ đảo Gạc Ma – 2, Ông Nhỏ với di ảnh
Bài, ảnh : Xuân Vui