50 năm về lại biên cương

Sau mấy lần lỡ nhỡ thì chuyến về thăm Mường Tè
lần này của ông đã trót lọt, thuận lợi. Đoàn có 5 người, người trẻ tuổi nhất trong đoàn đã ở tuổi 70, ông Quang cùng 2 bạn đồng niên tuổi 72, còn ông bạn lớn tuổi nhất trong đoàn là 77 xuân xanh. Đoàn lên đường ngày 25-4-2015 từ Hà Nội bằng xe riêng, do một thành viên là ông Tươi, đã 72 tuổi cầm lái.
Đến với Mường Tè
ngày ấy
Cuối tháng 2-1965, vừa thi xong học kỳ 1 lớp mười ở Trường cấp 3 Phù Cừ (Hưng Yên), chàng trai Trần Văn Quang xung phong nhập ngũ. Ban giám hiệu nhà trường khuyên anh cố ở lại thêm 3 tháng để học xong học kỳ 2 và thi tốt nghiệp phổ thông rồi hãy lên đường, nhưng anh vẫn quyết tâm đi bộ đội, với niềm tin, khi kết thúc chiến tranh, anh sẽ về học tiếp. Trong không khí sôi sục chống Mỹ cứu nước và phong trào tòng quân lúc bấy giờ, anh tự nguyện nhập ngũ với một niềm vinh dự và háo hức.
Đoàn gần 150 tân binh của huyện Phù Cừ nhận quân trang và hành quân qua thị xã Hưng Yên, rồi qua thị xã Hòa Bình lên Tây Bắc. Từ dốc Cun, đường gập ghềnh, khúc khuỷu, làm một số người say xe mệt lử. Nhưng bài hát “Qua miền Tây Bắc” vang lên, đã xua tan mỏi mệt cùng những ưu tư của những chàng trai lần đầu xa nhà, đưa các anh tiến vào miền núi rừng hùng vĩ…
Sau 5 ngày hành quân bằng xe tải và một ngày nghỉ, chiều ngày 28-2-1965 đoàn đến Nậm Cản của huyện Mường Lay. Tại đây, các anh được học tập và huấn luyện để trở thành các chiến sĩ công an nhân dân vũ trang. Mới được một tháng, trận mưa bão, lốc xoáy đã san phẳng khu doanh trại làm bằng tranh, tre, nứa lá của đơn vị huấn luyện tân binh. Thế là đơn vị phải phân tán vào một số bản người Thái xung quanh đó, ở nhờ nhà dân để tiếp tục huấn luyện.
Ngày 23-4-1965, binh nhì Trần Văn Quang cùng 12 tân binh khác được biên chế về Đồn biên phòng Nậm Củm (đồn 3) của huyện Mường Tè. Từ Mường Lay đến Nậm Củm, các anh đi bộ mất 5 ngày và nghỉ 1 ngày ở huyện lỵ Mường Tè. Chiều 28-4, anh đặt chân đến Nậm Củm và 4 ngày sau ngày 3-5, binh nhì Trần Văn Quang đã cùng 3 chiến sĩ khác lên đường đi chuyến công tác đầu tiên tới xã Mù Cả.
Đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, huyện Mường Tè chỉ có duy nhất một đồn biên phòng. Đồn phụ trách 6 xã biên giới là Ca Lăng, Thu Lũm, Mù Cả, Pa Ủ, Pa Vệ Sử, Hua Bum và một xã nội địa với 200km đường biên giới.
Những chuỗi ngày trèo đèo, lội suối, băng rừng xuống cơ sở cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng bàn bạc với dân. Quên sao được những bữa cơm độn với củ nâu (một loại củ để nhuộm vải). Quên sao được những đêm tuần tra biên giới thâu đêm suốt sáng dưới trời mưa rừng tầm tã. Quên sao được những con vắt, những đàn ruồi vàng nhiều như muỗi dại vào mùa hoa xoan nở và quên sao được những ngày tháng chốt chặn trên điểm cao của xã Tà Tổng để đón lõng biệt kích nhảy dù xuống móc nối với thổ phỉ nằm vùng hòng phá hoại hậu phương miền Bắc.

50 năm với
tình đồng đội
Mặc dù ngày nghỉ cuối tuần, Chính ủy Đào Quang Mạnh cùng các cán bộ trong Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu đã tiếp đón đoàn rất thân mật và chu đáo tại sở chỉ huy. Tỉnh Lai Châu có hơn 265km đường biên, với 182 cột mốc biên giới và 21 dân tộc sinh sống. Các cột biên giới đã được định vị toàn cầu, lực lượng biên phòng hai nước Việt-Trung có đường dây nóng liên lạc trực tiếp để kịp thời phối hợp tuần tra và xử lý các tình huống trên tuyến; có lịch định kỳ hội đàm giải quyết các vấn đề giữa hai bên. Tình hình biên giới hiện nay đã bình yên và Bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu là đơn vị đạt thành tích xuất sắc, dẫn đầu phong trào thi đua của lực lượng Biên phòng cả nước. Đồng chí Chính ủy phân công cán bộ đưa đoàn tới thăm các đồn biên phòng nơi đồng chí Trần Văn Quang đã từng công tác trước đây. Trong không khí thân tình, mọi người nhắc lại nhiều sự kiện, nhiều cán bộ chỉ huy và đồng đội, người còn, người mất suốt chặng đường 50 năm đã qua. Giọng ông Quang có lúc lạc đi, rưng rưng tình cảm của người con lâu ngày trở lại gia đình mình…
Tối hôm đó, được bạn bè thông báo, Thiếu tá Trần Minh Thái-nguyên Phó tham mưu trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu (năm 1986) tìm đến nhà khách để gặp ông Quang. Hai người đồng đội, đồng hương, cùng nhập ngũ một ngày, cùng lên Mường Tè, nay gặp lại nhau với bao xúc động.
Sáng hôm sau, đoàn vừa đến thị trấn Mường Tè đã được ông Lò Văn Bơn, người dân tộc Thái đón về nhà. Ông Bơn là Thượng tá, nguyên Trưởng tiểu khu Mường Tè. Ông là Chủ tịch Hội CCB huyện và là Trưởng ban tổ chức Lễ kỷ niệm 30-4 của thị trấn. Dù rất bận công việc, nhưng vợ chồng ông vẫn thuyết phục đoàn nghỉ lại nhà ông mấy hôm, cùng nhau uống rượu, ôn lại kỷ niệm xưa. Hai người đồng đội nhắc lại chuyến tháp tùng đồng chí Thiếu úy đồn phó đến kiểm tra Trạm Thu Lũm, tới gần nửa đêm, đói quá mà không dám kêu. Cũng may vừa lúc ấy đồng chí thủ trưởng cũng đói và mệt và bảo Trung sĩ Lò Văn Bơn vào bản Ca Lăng cũ (bản đã chuyển đi) tìm xem có quả gì ăn được không. May quá, trên cây cam còn sót lại mấy quả. Thế là ba thầy trò ăn vội để lấy sức đi tiếp đến Trạm Thu Lũm (nay là Đồn biên phòng Thu Lũm).
Đồn trưởng đồn Thu Lũm, Trung tá Đỗ Văn Hưng dẫn đoàn đi thăm hòn đá thiêng của dân tộc Hà Nhì nằm sát biên giới. Giữa thảm cỏ và cây cối xanh tốt, hòn đá trắng nổi lên cao ngang đầu người, có hình dáng như người đàn ông theo truyền thuyết của bà con dân tộc. Bà con Hà Nhì và các dân tộc anh em ở cả hai bên biên giới thường đến cúng viếng hòn đá thiêng và rất tin vào sự linh nghiệm với những điều cầu xin. Đoàn chúng tôi thắp nhang cầu mong thần thánh phù hộ cho mọi người có sức khỏe, cho các dân tộc anh em chung sống hòa thuận, cho biên giới an lành và phát triển. Vừa lúc đó, có tổ biên phòng cùng hai cô dân quân trẻ người Hà Nhì đi tuần tra biên giới qua đây. Các cô là giáo sinh vừa tốt nghiệp Trường Sư phạm tỉnh, đang đi thực tập và chờ nhận công tác. Với y phục dân tộc, hai cô rực rỡ như những bông hoa rừng, cùng với các chiến sĩ biên phòng thường xuyên tuần tra bảo vệ biên giới.
Đến Đồn biên phòng Mù Cả, chúng tôi gặp ông Khoàng Phu Cà, người Hà Nhì. Ông Cà năm nay 67 tuổi, Trung tá, nguyên đồn trưởng. Ông có con trai cũng đang công tác trong lực lượng biên phòng của huyện Mường Tè. Hôm nay đồn có khách, đồng chí đồn trưởng cho người về bản Xi Nế đón ông lên chơi. Ông Cà tâm sự:

  • Mình về hưu, nhưng về xã làm bí thư chi bộ hai khóa, Hội trưởng Hội CCB. Nhưng năm nay xin nghỉ vì vợ già yếu không chăm nom nương rẫy được, mình phải ra lán trông coi. Mỗi khi có lễ hội, khách khứa, đồn trưởng lại cho người về đón mình lên tham gia. Gặp lại anh em vui lắm. Trông tôi thế này thôi, nhưng mà oách lắm đấy nhé. Hồi đánh quân bành trướng năm 1979, tôi chiến đấu dũng cảm, được tặng thưởng Huân chương Chiến công và được về T.Ư Đoàn báo cáo điển hình đấy!

Biên cương
đang đổi mới
Người phấn khởi nhất trong đoàn, có lẽ là ông Quang. Đã nửa thế kỷ trôi qua được thăm lại những địa bàn cũ như Hua Bum, Mường Tè, Mù Cả, Ca Lăng, Thu Lũm, ông thực sự ngỡ ngàng trước những thay đổi ở đây. Đến nay huyện Mường Tè đã có 6 đồn biên phòng đóng ở 6 xã, đồn nào cũng được xây dựng khang trang đẹp đẽ.
Suốt dọc đường từ tỉnh Lai Châu đến các đồn biên phòng, đường đã được mở rộng và trải nhựa. Không còn cảnh các chiến sĩ biên phòng phải cuốc bộ hằng tháng trời, rẽ cây, leo dốc tới các bản biên giới. Cầu Pac Ma bằng bê tông cốt thép trông thật vững chãi. Chính nơi đây, chiến sĩ Quang cùng hai dân quân người Thái ở bản Pac Ma trên chiếc thuyền độc mộc xuôi dòng sông Đà vào mùa lũ năm 1966 đã suýt bị xoáy nước nhấn chìm khi thuyền lao xuống dòng thác.
Đến Đồn biên phòng Ca Lăng, ông Quang ngỡ ngàng thấy máy thu hình sử dụng chảo bắt truyền hình vệ tinh. Còn đâu cảnh, cách đây 50 năm, mấy tháng trời anh em chiến sĩ mới được xem phim đèn chiếu một lần, mà ông Quang thường đảm nhận nhiệm vụ đọc thuyết minh.
Ngày xưa, các cô giáo miền xuôi lên Mường Tè, phải đi bộ mấy ngày đến các bản, vận động bà con dân tộc cho con đi học. Cô giáo thường phải mua gạo và thức ăn nấu cơm ăn chung với học trò bằng đồng lương ít ỏi của mình, vì gia đình các em nghèo quá, chẳng có gì mang theo. Có thời kỳ, Nhà nước hỗ trợ gạo và tiền ăn cho học sinh, phát về gia đình mà các em vẫn bỏ học. Trung tá Phan Văn Hóa-Đồn trưởng Đồn Mù Cả cho biết, khi nhà trường tổ chức ăn ở tập trung cho học sinh tại trường, bữa ăn có cơm, có thịt, các em học sinh rất hào hứng đi học. Em nào nhớ nhà về một hai ngày, lại quay về trường ngay, không phải đi vận động nữa. Chính sách đi vào cuộc sống thật khó khăn mà đơn giản. Vấn đề là có cách làm đúng.
Khi chúng tôi đến đồn Ca Lăng và Mù Cả, các đồng chí đồn trưởng đang phân công chiến sĩ xuống bản cùng địa phương tiếp nhận bò, cùng chăm sóc một tháng cho thuần thục, rồi mới giao bò cho từng gia đình. Mỗi xã biên giới được tặng 50 con. Đây là chương trình hợp tác giữa Bộ đội Biên phòng và Công ty Viettel hỗ trợ cho bà con vùng biên giới. Mỗi cán bộ, chiến sĩ biên phòng mua 300.000 đồng thẻ điện thoại Viettel trong 3 năm để góp quỹ mua bò tặng bà con tăng gia sản xuất. Một chương trình rất thiết thực và mang tính nhân văn cao!

Hẹn ngày trở lại
Từ A Pa Chải, chúng tôi đến TP. Điện Biên, qua Sơn La và trở về Hà Nội, khép kín một vòng “Qua miền Tây Bắc”. Một sự ngẫu nhiên kỳ lạ: Ngày 28-4-2015, Đại tá Trần Văn Quang trở lại thăm đồn cũ. Đúng vào ngày này, tháng này năm 1965, binh nhì Trần Văn Quang đến nhận công tác ở Đồn biên phòng Mường Tè. Tròn 50 năm!
Ông Quang rất tâm đắc: Tôi sẽ kể lại cho các ông bạn đồng ngũ về chuyến đi này. Cùng với những hình ảnh ghi được dọc đường, chắc chắn mọi người sẽ muốn có chuyến trở lại chiến trường xưa. Ông đang lâng lâng, không hề mệt mỏi. Thật là hạnh phúc khi thấy nhà mình, quê hương mình (ông vẫn nói: Đồn là nhà, biên giới là quê hương) đã phát triển hơn xưa nhiều lắm, còn đồng đội của mình thì có trình độ nghiệp vụ cao hơn mình rất nhiều. Thật là mãn nguyện với hạnh phúc trên đoạn đường còn lại của cuộc đời.
Tây Bắc ngày 1-5-2015