50 NĂM THỰC HIỆN DI CHÚC BÁC HỒ: Người thương binh yêu lao động
Ông Hoàng Xuân Cán áp dụng khoa học, kỹ thuật vào chăm sóc vườn cao su nên năng suất mủ đạt cao
Căn nhà đơn sơ của thương binh 4/4, Hoàng Xuân Cán, ở thôn 8, xã Long Hưng (Phú Riềng - Bình Phước) nằm lọt giữa vườn cây trái xanh tốt, nhìn vào không ai nghĩ ông là tỷ phú. Để có được biệt danh “tỷ phú” này, người thương binh luôn tâm niệm lời Bác dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”. Đấy là mục tiêu phấn đấu nên ông cùng vợ luôn tất bật với công việc vườn rẫy.
Đã ở tuổi 70 nhưng thương binh Hoàng Xuân Cán vẫn làm việc như một lao động chính. Trò chuyện với chúng tôi, ông Cán cho biết: Quãng thời gian từ năm 1984-1998, ông làm công nhân cao su nên có kinh nghiệm quản lý và chăm sóc vườn cây, vì vậy ông tự mua giống cao su về ghép rồi tìm tòi, nghiên cứu thêm tài liệu để vườn cây của gia đình phát triển cho năng suất cao. Ông chú trọng áp dụng khoa học, kỹ thuật cùng với kinh nghiệm bản thân vào chăm sóc vườn cây vì thấy chỉ có làm việc khoa học mới mang lại hiệu quả.
Hiện, vườn cao su của gia đình chỉ còn 300 cây, 1ha điều, vài chục nọc tiêu nhưng cho thu nhập không dưới 200 triệu đồng/năm.
Dường như hiểu được thắc mắc của chúng tôi, ông Cán chỉ ra bí quyết: “Chỉ 300 cây cao su nhưng mỗi ngày nhà tôi thu khoảng 1,5 triệu đồng. Bí quyết của tôi là ở khâu chọn và ghép cây giống; chăm sóc, cải tạo đất và thường xuyên theo dõi vườn để phát hiện nấm, sâu bệnh kịp thời. Còn hơn 1ha điều già, mỗi năm gia đình thu từ 2 - 3 tấn. Với vườn điều, tôi bón phân 3 loại urê, lân, kali mỗi năm 2 lần. Khi cây chuẩn bị ra hoa thì dọn vườn, vun lá tưới nước rồi um khói đuổi sâu, đồng thời kích thích cây ra hoa. Vì vậy, gia đình tôi luôn cho thu hoạch trước Tết Nguyên đán, được giá nên hiệu quả kinh tế cao. Để đất rẫy có nhiều dinh dưỡng, tôi thường dọn vườn gom lá, nhổ cỏ rồi vùi xuống thành phân để tạo mùn, nhờ đó đất ít bạc màu, trồng cây gì cũng tốt”.
Tận dụng những khoảng đất trống trong vườn, vợ chồng ông trồng xen rau ngót để ăn và bán. Cứ như vậy quanh năm, ông Cán luôn gắn bó với vườn rẫy vì thích tự tay chăm sóc, thu hoạch các loại cây. Công việc vườn rẫy đều đặn với năng suất ổn định, cùng lối sống giản dị đã đưa gia đình ông Cán trở thành gia đình khá giả trong vùng.
Ông Bùi Duy Bạch - Chủ tịch Hội CCB xã Long Hưng được biết:
- Ông Cán là gương điển hình bởi không chỉ chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước mà còn phát triển kinh tế giỏi, nuôi dạy các con trưởng thành và sống có tình, có nghĩa với xóm làng. Đồng đội nể phục ông nhất là ý chí và nghị lực vươn lên phát triển kinh tế, dù tuổi cao nhưng vẫn hăng say lao động.
Vợ chồng ông Cán có 4 người con, hiện các con ông đều có kinh tế khá, điều đặc biệt trong gia đình thương binh Hoàng Xuân Cán là ai cũng có lối sống cần kiệm, giản dị và yêu lao động nhờ học tập tấm gương của bố.
Là thương binh, được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước nhưng ông Cán luôn cố gắng vươn lên phát triển kinh tế, không ỷ lại. Là hội viên người cao tuổi, ông luôn rèn luyện để đạt tiêu chuẩn “tuổi cao, gương sáng”, từ đó làm gương cho con cháu. Ngoài ra, ông còn giúp đỡ đồng đội khó khăn, đóng góp quỹ tiếp bước học sinh nghèo học giỏi. Ông được UBND huyện Phú Riềng chứng nhận là công dân kiểu mẫu.
Phương Dung