42 năm chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc (2.1979 - 2.2021): Chiến đấu phòng ngự ở Hà Giang

Thượng tướng Nguyễn Văn Được (thứ nhất bên trái, hàng đầu) lên Thanh Thủy - Vị Xuyên (Hà Giang) viếng thăm đồng đội đã hy sinh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Tháng 2-1985, giữa lúc chiến sự ở khu vực Vị Xuyên - Hà Giang diễn ra hết sức quyết liệt, đang là Phó sư đoàn trường Sư đoàn 312, Tôi được Bộ Quốc phòng điều lên giữ chức quyền Sư đoàn trưởng Sư đoàn 356 (ba tháng sau, được bổ nhiệm Sư đoàn trưởng). Lúc này, Sư đoàn 356 thuộc Quân khu 2, đang trực tiếp chiến đấu ở khu vực Đồi Dài, Đá Pháp, bình độ 300-400, hang Dơi, hang Lòn Lò, Tổ Chim, Bốn Hầm… (Thanh Thủy - Hà Giang).

Nhớ lại ngày đầu lên nhận nhiệm vụ chiến đấu phòng ngự, Thiếu tướng Lê Duy Mật - Phó tư lệnh Quân khu 2 kiêm Tư lệnh tiền phương quân khu cho gọi tôi, anh Đỗ Xuân Trì - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 313 và anh Minh - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 314 lên Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh tiền phương quân khu báo cáo tình hình. Sau khi nghe chúng tôi báo cáo xong, anh Mật ra lệnh gọn lỏn: “Các anh chuẩn bị mà đi đánh nhau!”. Tiếp đó, anh phân công từng Sư đoàn đảm trách từng khu vực, với nhiệm vụ chính là phản công lấy lại những vị trí đã bị đối phương chiếm, rồi xây dựng trận địa phòng ngự chốt giữ.

Khi anh Mật hỏi ý kiến chúng tôi, anh Trì và anh Minh đã từng chỉ huy chiến đấu ở đây, ít nhiều thông thuộc địa hình, am hiểu địch tình, nên chỉ trình bày một số khó khăn, yêu cầu bảo đảm… Là người “chân ướt chân ráo” lên đây, nên tôi đề nghị cho Sư đoàn tôi có thêm thời gian chuẩn bị và cho tôi trực tiếp đi trinh sát nắm tình hình, nhất là nắm địch. Nhưng thật bất ngờ, tôi chưa đề đạt hết ý, anh Mật đã cắt ngang:

- Không trinh sát, thị sát gì cả. Cứ lên mà đánh. Ai để mất thì lên đánh mà lấy lại! Làm tới đi!

Tôi cự lại: Nhiệm  vụ Tư lệnh giao, tôi không chối bỏ. Nhưng chuyện đánh đấm, nhất là với đối tượng mới, mình không thể đơn giản mà cứ chộp, chộp…, như chụp ếch. Nếu Tư lệnh nói ai để mất lên mà đánh, thì tôi không đánh. Tôi có phải là người làm mất trận địa đâu!

Thấy anh Mật không phản ứng gì, tôi nói tiếp:

- Với tôi, đánh lớn hay đánh nhỏ đều phải chuẩn bị kỹ càng. Đánh mà không chuẩn bị, rất dễ “nướng” quân. Tư lệnh biết đó, Sư đoàn 356 sau trận ngày 12-7-1984 rất hoang mang, chúng tôi đang cố xốc lại tinh thần cho anh em; vì vậy đánh lúc này, phải chuẩn bị cho thật kỹ. Tư lệnh phải để chúng tôi đi trinh sát, trước là trinh sát nghiệp vụ chuyên môn, sau là trinh sát chỉ huy.

Anh Mật không kết luận có đi trinh sát hay không, nhưng tôi hiểu im lặng cũng là cách trả lời của anh ấy, nên tôi tổ chức đi trinh sát ngay. Nghe anh em nói tiếp cận được điểm cao 685 vô cùng khó khăn, tôi đã cho chuẩn bị rất chu đáo dây mây, dây thừng, cuốc chim…, nhưng lên được điểm cao 685 không dễ chút nào. Núi đá xanh, vách dựng đứng. Đêm đầu, mấy anh em chúng tôi chỉ tiếp cận chân điểm cao. Đêm hôm sau, dùng mọi cách, khi thì men theo hốc đá, khi tung dây quấn gốc cây, rồi theo dây đu mình lên như lính đặc công… Trinh sát đã khó, nói chi đến đánh với đội hình đông! Trong khi đối phương đã bài binh bố trận cẩn thận. Hỏa lực pháo của chúng rất mạnh. Nếu bộ đội ta tiến công trong tình thế này, chẳng khác gì phơi mình ra làm mồi cho đạn pháo…

Anh Nguyễn Đức Cam - Phó sư đoàn trưởng kể lại, tôi đi trinh sát đêm thứ hai thì Thượng tướng Vũ Lập - Tư lệnh Quân khu 2 lên kiểm tra tình hình mặt trận. Triệu tập Ban Chỉ huy Sư đoàn để làm việc, không thấy tôi, anh Vũ Lập hỏi:

- Thằng Được đâu Cam?

- Sư trưởng cùng một số cán bộ cơ quan Sư đoàn, trung đoàn đi trinh sát hai đêm nay để đánh lên điểm cao 685 - anh Cam trả lời.

- Ai cho nó đi? - anh Vũ Lập sẵng giọng.

- Cũng chẳng ai cho - anh Cam thành thật - Thủ trưởng Mật không đồng ý để anh ấy đi, nhưng anh ấy bảo không đi trinh sát thì không đánh được. Thủ trưởng quên anh ấy vừa về Sư đoàn, chưa đánh ở đây bao giờ.

- Điện lên bảo nó về ngay. Nói với nó là lệnh của tao - Vũ Lập!

Ngay sau đó, anh em có điện cho tôi, nhưng lúc này chúng tôi đã cơ bản nắm được tình hình địch và địa hình…, nên không có lệnh của anh Vũ Lập, chúng tôi cũng trên đường “xuống núi”.

Sau khi trinh sát, chúng tôi cương quyết đề nghị trên cho lùi kế hoạch phản công tái chiếm những vị trí đã mất, để có thời gian chuẩn bị thật kỹ. Tiếp đó, Ban Chỉ huy Sư đoàn thống nhất chỉ đạo các trung đoàn tập trung xây dựng trận địa phòng ngự; cho quân đào hào theo kiểu “lấn dũi” để tiếp cận chân các điểm cao của ta đã bị đối phương chiếm đóng trái phép. Công sự được xây dựng rất công phu, có giao thông hào chính, công sự “râu tôm”, ngách ngang; bố trí pháo, cối áp sát điểm chốt của đối phương…

(còn nữa)

Thượng tướng Nguyễn Văn Được kể, Duy Tường ghi