4 mục tiêu và 6 dự án của Chương trình quốc gia Bảo vệ trẻ em 2011 – 2015 (04/09/2010)

Thực hiện Chỉ thị số 1408/CT-TTg ngày 1/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã chủ trì xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia Bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 – 2015.

Mục tiêu của Chương trình là tạo dựng được môi trường sống mà ở đó tất cả trẻ em đều được bảo vệ, trong đó ưu tiên nhóm trẻ em có HCĐB, nhóm trẻ có nguy cơ cao; chủ động phòng ngừa, giảm thiểu hoặc loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, giảm thiểu tình trạng trẻ em rơi vào HCĐB và trẻ em bị ngược đãi, xâm hại, bạo lực, buôn bán và sao nhãng; trợ giúp, phục hồi kịp thời cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị tổn hại, tạo cơ hội để các em tái hòa nhập cộng đồng và bình đẳng về cơ hội phát triển.

Chương trình đặt ra 4 mục tiêu cụ thể: Thứ nhất, giảm tỷ lệ trẻ em có HCĐB xuống dưới 5,5% so với tổng số trẻ em. Thứ hai, 80% trẻ em có HCĐB nhận được sự trợ giúp, chăm sóc từ cộng đồng và nhà nước để phục hồi, tái hòa nhập và có cơ hội phát triển. Thứ ba là 70% trẻ em có nguy cơ rơi vào HCĐB và có nguy cơ bị tổn hại được phát hiện sớm và can thiệp để giảm thiểu hoặc loại bỏ nguy cơ. Thứ tư, 50% tỉnh, thành phố xây dựng được hệ thống bảo vệ trẻ em, trong đó có Trung tâm công tác xã hội trẻ em, Văn phòng tư vấn, Điểm tư vấn, mạng lưới Cộng tác viên, nhóm trẻ nòng cốt và hoạt động có hiệu quả.

Chương trình gồm 6 dự án: Dự án Truyền thông, giáo dục, vận động xã hội; Dự án Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ và cộng tác viên; Dự án Theo dõi, giám sát, đánh giá và xây dựng cơ sở dữ liệu về thực hiện quyền trẻ em; Dự án Xây dựng và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; Dự án Xây dựng và nhân rộng các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng và Dự án Rà soát, bổ sung, điều chỉnh hệ thống luật pháp về bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Với việc thực hiện các dự án trên, Chương trình sẽ góp phần quan trọng vào việc giảm thiểu số lượng trẻ em rơi vào HCĐB, giảm thiểu tốc độ gia tăng trẻ em rơi vào HCĐB; tạo cơ hội cho trẻ em phát triển toàn diện cả về thể chất, tâm lý, tình cảm, nhận thức, đạo đức và xã hội, góp phần duy trì sự bình yên và hạnh phúc của các gia đình, giảm bớt sự bức xúc trong xã hội có liên quan đến ngược đãi, xâm hại và bóc lột trẻ em.

Chương trình cũng sẽ góp phần nâng cao nhận thức của gia đình, cộng đồng xã hội và chính trẻ em về việc thực hiện các quyền của trẻ em, đặc biệt là quyền được bảo vệ và an toàn của trẻ em, tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em, nhất là nhóm trẻ em có HCĐB, nhóm trẻ em có nguy cơ và nhóm trẻ em nghèo. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội như hiện nay, tăng đầu tư cho trẻ em để tạo nguồn nhân lực trong tương lai và đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước là một việc làm cần thiết.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Chương trình này dự kiến được thực hiện với kinh phí 1.755,5 tỷ đồng.

Giáng Hương