4 dấu hiệu của bệnh lao phổi
4 dấu hiệu nhận biết
Theo PGS, TS Nguyễn Viết Nhung-Bệnh viện Phổi TƯ, người mắc bệnh lao phổi thường có các dấu hiệu sau đây:
Ho, ho ra máu: Ho là triệu chứng phổ biến của mọi bệnh phổi cấp hoặc mạn tính. Ho có thể do nhiều nguyên nhân: Viêm phổi, viêm phế quản, giãn phế quản, lao, ung thư phổi... Mọi bệnh nhân ho trên 3 tuần không phải do viêm phổi, viêm phế quản, giãn phế quản, ung thư phổi… dùng thuốc kháng sinh không giảm ho thì có thể là do lao phổi. Ho ra máu cũng là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhưng có thể gặp ở 60% những người lao phổi thể hiện có tổn thương, chảy máu trong đường hô hấp nên những người có triệu chứng ho ra máu phải kiểm tra có lao phổi không.
Khạc đờm: Khạc đờm là biểu hiện tăng xuất tiết do phổi phế quản bị kích thích hoặc do có tổn thương tại phổi phế quản. Khạc đờm cũng như ho có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra mà các nguyên nhân thông thường nhất là viêm nhiễm. Do vậy, nếu sau khi dùng thuốc kháng sinh triệu chứng khạc đờm không giảm thì mọi bệnh nhân có triệu chứng ho khạc trên ba tuần phải nghĩ đến do lao phổi.
Gầy, sút cân: Gầy, sút cân là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân lao phổi. Những bệnh nhân gầy, sút cân không có nguyên nhân rõ ràng không phải do tiêu chảy, suy dinh dưỡng, nhiễm HIV/AIDS... có các triệu chứng ho, khạc đờm có thể đã mắc lao phổi.
Sốt, ra mồ hôi: Sốt là triệu chứng hay gặp ở người lao phổi. Sốt có thể ở nhiều dạng: Sốt cao, sốt thất thường nhưng hay gặp nhất là sốt nhẹ hoặc gai gai lạnh về chiều. Trong lao phổi ra mồ hôi là do rối loạn thần kinh thực vật mà người ta thường gọi là ra mồ hôi trộm. Ngoài ra còn kèm theo các triệu chứng khác như: Chán ăn, mệt mỏi.
Khi có những dấu hiệu trên, người bệnh cần đến cơ sở y tế chuyên khoa lao và bệnh phổi để khám và xét nghiệm. Nếu được chẩn đoán mắc lao cần điều trị dứt điểm và thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm cho người thân trong gia đình và cộng đồng theo hướng dẫn của bác sĩ.
Phòng bệnh lao phổi
Cũng theo PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, để phòng mắc bệnh lao phổi theo nguyên tắc chung, trước tiên phải thanh toán được nguồn lây, phát hiện triệt để và điều trị khỏi. Những biện pháp khác cũng rất quan trọng:
- Đối với người bệnh: Người lao phổi phải mang khẩu trang, không được khạc nhổ lung tung mà phải khạc vào giấy hoặc ca, cốc để đúng nơi quy định để khử trùng, tiêu hủy. Lấy bệnh phẩm xét nghiệm đúng nơi quy định, thông thoáng; tốt nhất là ở ngoài trời.
- Đối với nhân viên y tế phục vụ bệnh nhân lao, nhất là lao kháng thuốc và những nơi nguy cơ cao như các phòng xét nghiệm nuôi cấy vi khuẩn lao phải mang khẩu trang đúng tiêu chuẩn. Tiếp xúc với người bệnh qua kính ngăn, thực hiện khám chữa bệnh, tư vấn phía sau người bệnh...
- Các cơ sở y tế phục vụ người bệnh lao phải thực hiện tốt quy chế chống lây nhiễm. Đầu tư thích hợp các trang bị phòng hộ cần thiết cho nhân viên và người bệnh. Có kế hoạch và quy trình cụ thể thực hiện đầy đủ và hướng dẫn cụ thể cho nhân viên và người bệnh...
Trong thời gian điều trị, người bệnh cần ăn uống điều độ, đủ chất dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý, tuyệt đối không dùng các loại chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá vì những chất này làm giảm tác dụng điều trị và tăng tác dụng phụ của thuốc.
Thành An