38 năm gia đình liệt sĩ chờ... cái đã có!
Liệt sĩ Nguyễn Thế Bảo sinh năm 1959, nhập ngũ đầu năm 1979, hy sinh ngày 28-11-1979 trong khi làm nhiệm vụ tại Đại đội 6, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 41, Sư đoàn 395, Đặc khu Quảng Ninh; an táng tại huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Sau khi hy sinh 2 ngày (ngày 30-11-1979), Hội đồng Kiểm kê di vật liệt sĩ của đơn vị đã lập biên bản ghi rõ thành phần hội đồng, 6 di vật còn lại, có chữ ký, đóng dấu của Thủ trưởng đơn vị - Thiếu tá Phạm Quang Vinh.
Nhưng chờ mãi, gia đình không nhận được giấy báo tử nên làm đơn gửi đơn vị. Ngày 23-4-1982 tại Công văn số 668/XKT, Trung tá Nguyễn Văn Quỵnh - Phó trưởng ban Thanh tra Đặc khu Quảng Ninh trả lời gia đình rằng: “Đã chuyển đơn cho cơ quan có trách nhiệm giải quyết”. Ngày 19-10-1982, tại Công văn số 80/XKT, Trung tá Nguyễn Văn Quỵnh trả lời: “Sau khi nghiên cứu nội dung, chúng tôi đã chuyển cho Sư đoàn 395 và Sư đoàn 395 đã xác nhận là liệt sĩ, đã báo về địa phương. Đề nghị ông hỏi lại Thành đội và Sở Thương binh xã hội T.P Hải Phòng”. Ngày 10-10-1984, Đại tá Đoàn Duy Thoáng viết thư (có chữ ký và đóng dấu) thay mặt cán bộ, chiến sĩ đơn vị gửi cho bà Nguyễn Thị Tính (mẹ liệt sĩ Bảo) cùng toàn thể gia đình những lời thăm hỏi, động viên, có đoạn: “Đồng chí Nguyễn Thế Bảo đã cùng đồng đội nêu cao tinh thần dũng cảm, vượt qua khó khăn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ được giao và đã hy sinh vẻ vang ngày 28-11-1979”. Sau đó gia đình hỏi UBND phường Cát Dài, quận Lê Chân thì được biết trong sổ gốc lưu của UBND phường có Quyết định số 287/CTKT ngày 29-8-1984, truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Nguyễn Thế Bảo. Nhưng không rõ tấm bằng này đã chuyển về đâu, ai nhận mà cho đến nay các thành viên trong gia đình chưa hề thấy và chính quyền địa phương cũng không trả lời được! Dù vậy gia đình vẫn kiên trì chờ đợi giấy công nhận liệt sĩ và đến nay vẫn chưa được hưởng một chế độ, chính sách nào của Nhà nước đối với liệt sĩ Nguyễn Thế Bảo.
Trong những năm đau buồn mỏi mòn chờ đợi thì bố anh Bảo đã mất (năm 1982), rồi mẹ mất (năm 1990) và anh trai của anh mất năm 2002. Trước đó, chị gái anh Bảo là liệt sĩ (hy sinh năm 1966 tại tỉnh Hà Tĩnh). Gia đình anh có 4 người là đảng viên. Lẽ ra mẹ anh đã được xét tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh, liệt sĩ (27-7), UBND phường Cát Dài, do Phó chủ tịch UBND phường Nguyễn Trọng Tuấn ký, gửi công văn số 88/CV-UBND, ngày 2-8-2017 đến Sở LĐTBXH T.P Hải Phòng và Phòng LĐTBXH quận Lê Chân “Đề nghị Phòng LĐTBXH quận xem xét giải quyết khôi phục lại chế độ liệt sĩ của ông Nguyễn Thế Bảo”.
Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến gia đình các liệt sĩ và người có công, đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa” được toàn dân ta hưởng ứng và ghi nhớ, thực hiện. Lẽ nào tại quận Lê Chân, T.P Hải Phòng để một sự việc thiếu sót rất ngang trái, vô lý tồn tại 38 năm nay? Chúng ta không thể vô cảm! Trách nhiệm từ cơ quan nào, từ những ai ?
Thiết nghĩ Thanh tra Bộ LĐTBXH, trực tiếp là Cục Người có công phối hợp với Cục Chính sách Bộ Quốc phòng và Hội Hỗ trợ Gia đình liệt sĩ Việt Nam hãy điều tra, sớm làm rõ trách nhiệm và giải quyết thỏa đáng cho gia đình liệt sĩ Nguyễn Thế Bảo. Đó cũng là làm tròn đạo lý với người có công, để vong linh liệt sĩ Nguyễn Thế Bảo được thanh thản nơi suối vàng.
Bài và ảnh: Đào Văn Sử