Bà Hòe vợ thương binh Cao Xuân Tài.
Ông Cao Xuân Tài (Nghĩa Đàn, Nghệ An) là thương binh chấn thương sọ não, phải ở Khu điều dưỡng Thương binh Nghệ Tĩnh (nay là Trung tâm điều dưỡng Thương binh Nghệ An).

Năm 1984, trong một lần lên cơn điên, ông Tài đã gây ra một vết thương với người thương binh khác. Rồi ông bị Công an bắt giam và từ trần trong trại khi chưa bị xét xử. Từ đó đến nay đã hơn 30 năm, ông Tài vẫn bị mang tội “giết người”, mọi chế độ đãi ngộ dành cho thương binh của ông bị cắt hết.

Ngày 8-1-2018, chúng tôi đến nhà bà Phạm Thị Hòe, vợ của thương binh Cao Xuân Tài. Căn nhà vắng tanh, nằm ghếch mình đang đóng cửa, bên Quốc lộ 46, thuộc huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Bà Hòe với dáng gầy gò, tất tả đạp chiếc xe đạp cà tàng phía sau chở một bó củi lớn xuất hiện. Hiện chỉ một mình bà sống trong căn nhà này.

Dỡ bó củi trên xe xuống, bà nói: “Hằng ngày tôi đi vào rừng chặt củi để kiếm thêm thu nhập, cũng để trốn thời gian. Bởi nếu rỗi rãi, nỗi đau của chồng tôi sẽ ùa đến”. Trao cho chúng tôi tập hồ sơ dày cộp, liên quan đến vụ việc của chồng bà ngồi lặng lẽ nhìn ra đường.

Theo hồ sơ, năm 1976 thương binh Cao Xuân Tài (sinh năm 1950, xã Nghĩa Thuận, Nghĩa Đàn, Nghệ An) trở về quê hương với những vết thương trên cơ thể. Đặc biệt, có mảnh đạn còn nằm lại trong đầu khiến thần kinh của ông không được bình thường như những người khác. Có những đêm khuya nổi cơn điên, ông chạy khắp làng, miệng hò hét xung phong náo loạn. Đồng cảm với nỗi đau của đồng đội, một nữ cựu chiến binh đã tình nguyện làm vợ ông, bằng tất cả tấm lòng của người lính. Bà là Phạm Thị Hòe (sinh năm 1952) cùng quê Nghĩa Đàn, Nghệ An với ông.

Sau khi lập gia đình, sinh con, bệnh tình của ông Tài ngày càng nặng, vượt quá khả năng chăm sóc và quản lý của gia đình. Mỗi khi lên cơn, ông thường trút những trận đòn vô cớ xuống đầu vợ. Khi tỉnh lại, ông chỉ biết ôm vợ khóc vì ân hận. Chính vì không làm chủ được hành vi của mình, nên năm 1977 ông buộc phải vào Khu điều dưỡng Thương binh tỉnh Nghệ Tĩnh để điều trị. Còn vợ ông ở lại quê để chăm sóc các con.

Thế rồi vào một ngày cuối tháng 9-1984, trong một lần lên cơn điên, ông Tài đã dùng dao vót mây gây ra vết thương cho ông Hoàng Trọng Quy, một thương binh đang điều trị tại khu điều dưỡng này. Ông Quy được các nhân viên Trung tâm điều dưỡng Thương binh đưa đi bệnh viện. May mắn vết thương chỉ ở phần mềm, không nguy hiểm, nên ngày hôm sau ông Quy được xuất viện.

Ngày 1-10-1984, Công an tỉnh Nghệ Tĩnh (Hà Tĩnh và Nghệ An) đã vào Khu điều dưỡng Thương binh, đọc lệnh bắt ông Cao Xuân Tài về hành vi gây thương tích cho đồng đội.

Dù tất cả mọi người trong trại điều dưỡng đều hiểu và thương cảm, nhưng không ai có thể giúp được cho ông không bị bắt giữ. Ai cũng nghĩ ông Tài chỉ bị giam giữ mấy ngày thôi, rồi sẽ được trở lại Khu điều dưỡng Thương binh bởi sức khỏe ông ấy rất yếu, luôn cần được chăm sóc.

Tháng 5-1985, Khu điều dưỡng Thương binh Nghệ Tĩnh và gia đình ông Tài nhận được giấy báo của Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ Tĩnh thông báo: “Ông Cao Xuân Tài đã chết trong trại giam vào ngày 26-3-1985 khi đang bị tạm giam”. Nhận được tin, ai cũng bàng hoàng. Bởi không thể nghĩ người thương binh Cao Xuân Tài bị giam giữ đến sáu tháng, rồi mãi mãi không trở về nữa. Vậy là ông đã chết khi chưa bị một Tòa án nào xét xử.

Kể từ đó đến nay đã 33 năm, những quyền lợi và chế độ dành cho thương binh, người có công với đất nước của ông Cao Xuân Tài hoàn toàn bị chối bỏ. Thân nhân của ông Tài cũng không nhận được gì ngoài nỗi oan nghiệt: “Vợ, con của kẻ giết người, bị chết trong trại giam”.

Cũng từng đó năm, vợ ông Tài - người CCB Phạm Thị Hòe đã đi gõ của khắp mọi nơi, cầu xin những người có trách nhiệm hãy trả lại danh dự, công bằng cho chồng bà: Thương binh Cao Xuân Tài. Thế nhưng thời gian cứ trôi đi, còn bất công của chồng bà vẫn đứng yên một chỗ.

Trong tập hồ sơ mà bà Hòe trao cho, chúng tôi chú ý tờ Giấy báo tử số 06/TG do Giám thị trại Nguyễn Văn Hiên, đại diện cho Trại tạm giam Công an Nghệ Tĩnh ký ngày 26-3-1985. Dù tờ giấy báo tử đã vàng úa bởi thời gian, nhưng nội dung thể hiện họ tên, quê quán, ngày bắt giam của ông Cao Xuân Tài còn rất rõ. Đáng chú ý là phần ghi “can tội” được ghi: “Giết người”.

Chắc chắn mấu chốt mọi vấn đề, khiến cho sự việc suốt 33 năm qua không có hướng giải quyết nằm ở dòng chữ “Can tội: Giết người” oan nghiệt này. Trong khi đó, khi lần tìm hồ sơ vụ việc được lưu trữ tại Trung tâm điều dưỡng Thương binh Nghệ An, nơi ông Cao Xuân Tài ở khi bị Công an bắt, chúng tôi được biết: Sự việc xảy ra giữa ông Cao Xuân Tài và ông Hoàng Trọng Quy khiến cho ông Tài bị Công an bắt giam là vào tháng 9-1984. Những mãi đến năm 1997, tức là 13 năm sau, ông Hoàng Trọng Quy mới từ trần và được công nhận liệt sĩ. Cũng tại hồ sơ theo dõi sức khỏe của ông Hoàng Trọng Quy do Khu điều dưỡng Thương binh Nghệ Tĩnh lập, thì lúc đó ông Quy chỉ bị ông Tài: “Làm rách áo và bị thương phần mềm”.

Gom nối các dữ liệu trong hồ sơ lại với nhau, rõ ràng ông Hoàng Trọng Quy chết năm 1997 vì vết thương chiến tranh tái phát và tuổi tác. Tuyệt nhiên không liên quan đến hành động của người thương binh Cao Xuân Tài lúc lên cơn điên. Cũng theo các cán bộ Trung tâm điều dưỡng Thương binh Nghệ An và thân nhân ông Hoàng Trọng Quy cho biết, thì ông Quy không hề có đơn yêu cầu, hay khiếu nại gì về hành vi của người thương binh đồng đội Cao Xuân Tài năm đó.

Vậy vì lý do gì và ai đã quyết định hủy bỏ toàn bộ chế độ đãi ngộ của ông Cao Xuân Tài và quyền lợi của thân nhân người thương binh nặng này? Chúng tôi đã cố đi tìm câu trả lời, nhưng những người có trách nhiệm và hồ sơ lưu trữ tại các cơ quan chức năng không trả lời được.

Như chạm vào nỗi uất ức đã bị dồn nén suốt mấy chục năm qua, bà Phạm Thị Hòe bật khóc nức nở: “Là vợ, tôi có tội với ông ấy. Sau 3 tháng, ông ấy bị chết trong trại giam, tôi mới biết. Hai năm sau, mới tìm đến được chỗ ông ấy nằm trong một nghĩa trang dành cho phạm nhân gần trại giam. Không thể nào một người thương binh đã bỏ một phần thân thể cho đất nước, lại có kết cục như vậy được”.

Bà Hòe luôn tin rằng chồng mình sẽ được nhìn nhận đúng pháp luật, công tội rõ ràng. Nhưng niềm tin đó đã kéo dài suốt 33 năm qua. Dù vậy bà Hòe vẫn không ngừng “kêu oan” cho chồng. Bà đã gặp đủ các cơ quan chức năng từ huyện, đến tỉnh. Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở mức độ chuyển đơn của bà về Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An để xem xét.

Bà khẳng định: “Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam đã quy định: Một người chỉ bị coi là có tội khi có bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Nên chồng tôi không thể mang tội “giết người" về nơi chín suối được”.

Rồi những lá đơn xin được xem xét của bà Phạm Thị Hòe cũng thấu được những nơi cần đến. Các cơ quan chức năng bắt đầu quan tâm, lưu ý để giải quyết. Đặc biệt là Trung tâm Điều dưỡng Thương binh tỉnh Nghệ An đã tìm kiếm, lật lại hồ sơ vụ việc của ông Cao Xuân Tài, cũng như hồ sơ sức khỏe của “nạn nhân” Hoàng Trọng Quy còn lưu giữ.

Những biên bản xác minh, những đề xuất của Trung tâm kèm theo sự xác nhận của các cán bộ ngày trước đã dựng lại chính xác vấn đề của người thương binh Cao Xuân Tài dưới góc độ pháp luật. Trên cơ sở đó, tháng 8-2017 Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An đã nghiên cứu hồ sơ, làm sẵn quyết định trợ cấp đối với thân nhân của của người có công - thương binh Cao Xuân Tài. Nhưng để chắc chắn hơn, Sở này đã làm công văn gửi cho Cục người có công “Đề nghị cho ý kiến về việc giải quyết chế độ cho thân nhân của người có công bị phạm tội đã từ trần trong quá trình tạm giam điều tra vụ án”. Thế nhưng ngày 18-8-2017, Cục Người có công - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có Công văn số 1809/NCC- CS2 trả lời: “...Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo: Khi pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng sửa đổi, bổ sung sẽ nghiên cứu, xem xét trường hợp Người có công bị phạm tội, đã từ trần trong quá trình tạm giam điều tra vụ án”.

Chắc chắn niềm tin của nữ CCB Phạm Thị Hòe sẽ còn phải kiên định, kéo dài thêm nhiều năm nữa. Vong linh của người thương binh Cao Xuân Tài ở nơi nào đó, vẫn chưa thể thanh thản, mỉm cười.

Bà Hòe nói: “Tôi đi “kêu” không để mong nhận được vật chất, tiền bạc. Mà tôi muốn công sức, xương máu của chồng tôi phải được nhìn nhận đúng mức”. Trong quá trình 30 năm đi tìm sự thừa nhận hợp pháp cho chồng mình, bà Hòe được các văn phòng Luật sư cho biết: “Một vụ án hình sự, nếu bị can bị chết trong thời gian bị tạm giam, chưa xét xử thì phải đình chỉ vụ án”.

Rõ ràng, ông Cao Xuân Tài không thể bị coi là có tội. Hơn nữa đây là một thương binh có bệnh tâm thần, nên sự việc cần phải được xem xét thấu đáo dưới góc độ của pháp luật. Không ai có quyền định tội thay Tòa án và tùy tiện ghi vào giấy tờ là “can tội: giết người” để rồi các cơ quan chức năng cắt bỏ hết mọi chế độ, chối bỏ công trạng của ông ấy đã đóng góp cho đất nước này, Tổ quốc này.

Báo CCB Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu, giải quyết vụ việc này theo quy định của pháp luật.

Nguyễn Thế Sơn