3 con đường lây truyền HIV
Lây truyền qua đường máu
HIV có thể lây truyền từ người này sang người khác qua các dụng cụ xuyên chích qua da như: Dùng chung bơm kim tiêm, nhất là với người tiêm chích ma túy, dùng chung các loại kim xăm trổ, kim châm cứu, các dụng cụ xăm lông mi, xăm mày; dùng chung hoặc chưa được tiệt trùng đúng cách các loại dụng cụ phẫu thuật, dụng cụ khám chữa bệnh có xuyên cắt qua da.
Các vật dụng có khả năng đã dính máu của người khác như dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu; bị dính máu của người nhiễm HIV vào nơi có các vết thương hở, da, niêm mạc bị xây xát; việc ghép các mô, tạng nhiễm HIV, các dụng cụ truyền máu, lấy máu không được tiệt trùng đúng cách là những nguy cơ lây truyền HIV. Hành vi tiêm chích ma túy có nguy cơ cao dễ bị lây nhiễm HIV qua đường máu.
Lây truyền HIV qua đường tình dục
Đường tình dục được coi là phương thức lây truyền HIV phổ biến nhất trên thế giới. Khoảng 70-80% tổng số người nhiễm HIV hiện đang còn sống trên thế giới là bị lây nhiễm HIV qua con đường này. Sự lây truyền HIV qua đường tình dục xảy ra khi các dịch thể như máu, dịch sinh dục có chứa HIV xâm nhập vào cơ thể bạn tình không nhiễm HIV trong quá trình quan hệ tình dục.
Tất cả các hình thức quan hệ tình dục với người nhiễm HIV mà không sử dụng các biện pháp bảo vệ đều có nguy cơ lây nhiễm HIV. Quan hệ tình dục mua-bán dâm là hành vi nguy cơ cao dễ bị lây nhiễm HIV nhất.
Lây truyền HIV từ mẹ sang con
Người mẹ nhiễm HIV có thể truyền HIV cho con trong cả ba thời kỳ:
- Khi mang thai: HIV từ máu của mẹ nhiễm HIV qua rau thai để vào cơ thể thai nhi. Khoảng 20-30% số trẻ em bị lây truyền HIV từ mẹ được cho là lây truyền qua bánh rau.
- Khi sinh: HIV từ nước ối, dịch tử cung, dịch âm đạo của mẹ xâm nhập vào đứa trẻ. Khi sinh HIV cũng có thể từ trong máu mẹ xâm nhập qua các vết loét ở cơ quan sinh dục mẹ mà dính vào cơ thể của trẻ sơ sinh.
- Khi cho con bú: Tuy với nồng độ không cao, nhưng HIV cũng có trong sữa mẹ nên nó có thể lây nhiễm cho trẻ khi chúng bú sữa người mẹ nhiễm HIV. Các bệnh viêm vú, nứt vú, áp xe vú của mẹ hay các tổn thương ở miệng trẻ sơ sinh hoặc bệnh nhiễm khuẩn của mẹ trong khi cho con bú cũng làm tăng nguy cơ làm lây truyền HIV sang trẻ sơ sinh.
Nguy cơ lây truyền HIV qua bú sữa mẹ sẽ tăng lên nếu mẹ nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS.
Thành An