28 tác phẩm đoạt giải Cuộc thi viết về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ - Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân giới thiệu tóm tắt về cuộc thi.
Ngày 21-4, tại Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) tổ chức Gặp mặt báo chí giới thiệu Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết về đề tài "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới" lần thứ nhất (2021-2022) và phát động cuộc thi lần thứ hai (2022-2023).
Cuộc thi đã thu hút đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, nhà báo có uy tín và các cơ quan báo chí trong cả nước tham gia.
Phát biểu tại buổi Gặp mặt, Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ - Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân cho biết: Sau một năm phát động, Ban tổ chức nhận được hơn 500 tác phẩm dự thi của 30 cơ quan báo chí trong cả nước, trong đó 425 tác phẩm đủ điều kiện chấm giải.
Hầu hết các tác phẩm dự thi bám sát đề tài, cơ bản đáp ứng tiêu chí thể lệ cuộc thi đề ra. Nhiều tác phẩm thể hiện rõ tính phát hiện, tính thời sự, đề cập những vấn đề mới trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Nhiều tác phẩm được đầu tư công phu cả về nội dung và hình thức, thể hiện tư duy chính trị sắc bén, trí tuệ, sự nhiệt huyết, lương tâm, trách nhiệm của tác giả đối với công tác xây dựng Đảng và sự nghiệp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Cuộc thi bước đầu cụ thể hóa việc quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức trong thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 22-10-2018 về "Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới".
Qua hai vòng chấm sơ khảo và chung khảo bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, Hội đồng Chung khảo thống nhất lựa chọn 28 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải, gồm: 1 giải Nhất, 5 giải Nhì, 7 giải Ba và 15 giải Khuyến khích. Giải nhất thuộc về tác phẩm "Bảo vệ những tư tưởng cơ bản về xây dựng Đảng" của PGS,TS Trần Đình Huỳnh - nguyên viện trưởng Viện Xây dựng Đảng.
Kết quả của cuộc thi góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, thực hiện hiệu quả nghị quyết của Bộ Chính trị; đồng thời động viên, khích lệ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà báo, cộng tác viên tích cực tham gia đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; từ đó hình thành mạng lưới rộng khắp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.
Lễ Tổng kết, trao giải cuộc thi dự kiến tổ chức vào 20 giờ ngày 26-4-2022 tại Nhà hát lớn, Hà Nội.
Dịp này, Ban tổ chức tiếp tục phát động Cuộc thi "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới" lần thứ hai, năm 2022-2023. Đối tượng dự thi là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà báo chuyên nghiệp, thông tin viên, cộng tác viên, bạn đọc trong cả nước; tác phẩm dự thi được đăng trên ấn phẩm của các cơ quan báo chí (báo in, báo điện tử trong thời gian từ ngày 1-4-2022 đến 31-3-2023) đã được cấp giấy phép hoạt động của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Tác phẩm dự thi có thể là một bài, hoặc một loạt bài (không quá 5 bài) có chung đề tài, tác giả (nhóm tác giả), thời gian đăng liên tục, mỗi bài không quá 2.500 từ, thuộc thể loại chính luận, phỏng vấn (chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo).
Tác phẩm dự thi phải bảo đảm tính chính xác, tính thuyết phục cao. Trong bài viết cần trích dẫn rõ nguồn, bảo đảm trung thực, thực hiện đúng quy định của Luật báo chí, Luật sở hữu trí tuệ.
Ban tổ chức cuộc thi "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới" lần thứ hai, năm 2022-2023 sẽ lựa chọn để trao 22 giải cho các tác phẩm xuất sắc nhất, gồm: 1 giải đặc biệt trị giá 100 triệu đồng; 1 giải nhất trị giá 50 triệu đồng; 4 giải nhì, mỗi giải 30 triệu đồng; 6 giải ba, mỗi giải 15 triệu đồng; 10 giải khuyến khích, mỗi giải 10 triệu đồng.
Mỗi tác giả có thể gửi bài dự thi với số lượng không giới hạn. Mỗi cơ quan báo chí có thể gửi bài dự thi là tác phẩm đã đăng trên báo in, báo điện tử, với số lượng không giới hạn. Các tác phẩm đã đoạt giải báo chí quốc gia và giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (giải Búa liềm vàng) không nằm trong đối tượng được dự thi.
Danh sách các tác phẩm, tác giả đoạt giải:
1 giải Nhất:
Bảo vệ những tư tưởng cơ bản về xây dựng Đảng, tác giả PGS, TS Trần Đình Huỳnh
5 giải Nhì:
1. Bảo vệ nội dung đặc biệt quan trọng trong nền tảng tư tưởng của Đảng ta, tác giả Thiếu tướng, PGS, TSNguyễn Bá Dương
2. Tự do ngôn luận-nhận thức thấu đáo, ứng xử chuẩn mực và trách nhiệm công dân, tác giả PGS, TS Nguyễn Văn Dững
3. Bàn về nguyên tắc rường cột của Đảng, tác giả Phan Đăng Trường
4. Chữa “bệnh” ngại học lý luận chính trị ở sinh viên, tác giả Trần Hoàng Hoàng - Đặng Thu Hà
5. Xây dựng niềm tin tôn giáo đúng đắn cho đồng bào dân tộc thiểu số, tác giả Bích Nguyên
7 giải Ba
1. Đấu tranh chống các luận điệu xuyên tác, phủ nhận đường lối quốc phòng toàn dân, tác giả Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Văn Bạo
2. Phòng chống sự chia rẽ, bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình hiện nay, tác giả Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Hùng Oanh
3. Nhận diện và đấu tranh với những quan điểm phủ nhận tính khoa học và cách mạng của triết học Mác-Lênin, tác giả PGS, TS Đặng Quang Định
4. Chống chủ nghĩa cá nhân trong văn học, nghệ thuật, tác giả PGS, TS Nguyễn Thanh Tú
5. Bảo vệ đất nước trước những “biến chủng” ăn theo Covid-19, Phan Tùng Sơn
6. Không để lòng yêu nước bị lợi dụng, tác giả Nguyễn Tri Thức-Phạm Thị Phong Điệp
7. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vùng biên giới Tây Nam, tác giả Đặng Nguyễn Hạnh Châu
15 Giải Khuyến khích:
1.Tính khoa học, hiện thực của Văn kiện Đại hội XIII-Sự thật khách quan bác bỏ các luận điệu xuyên tạc, tác giả Thiếu tướng, PGS, TS Phan Xuân Tuy
2. Bảo vệ tính chính danh, tính chính pháp của Đảng Cộng sản Việt Nam, tác giả TS Nhị Lê
3. Phê phán luận điệu phủ nhận “không có thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, tác giả GS, TS Vũ Văn Hiền
4. Kiên trì bảo vệ Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng trong tình hình hiện nay, tác giả PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc
5. Đấu tranh làm thất bại quan điểm sai trái trên mạng xã hội hiện nay, tác giả TS Nguyễn Công Dũng
6. Luận điệu thù địch, xuyên tạc “không có dân chủ trong chế độ một Đảng Cộng sản duy nhất cầm quyền” hay trò bịp cổ xúy cho nền dân chủ đa nguyên, tác giả Đặng Viết Đạt
7. Bộ đội thời bình-những phẩm chất cao quý, không thể phủ nhận, tác giả Trần Anh Tuấn-Nguyễn Tấn Tuân-Trần Hoàng Tiến
8. Kiểm soát quyền lực: Những việc cần làm ngay, tác giả Cát Huy Quang
9. Mưu đồ đằng sau việc phủ nhận vai trò của Công đoàn Việt Nam, tác giả Hồ Quang Phương
10. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng-mô hình, cách làm và kinh nghiệm, tác giả Nguyễn Mạnh Thắng, Hà Thanh Minh, Hoàng Liên Việt, Nguyễn Hồng Sáng, Dương Thị Thu Hòa
11. Xuyên tạc, chống phá công cuộc phòng, chống dịch Covid-19, tác giả Phạm Hoài Nam
12. “Chung một chiến hào”, tác giả Hồ Công Lĩnh-Nguyễn Đức Cương-Võ Duy Đông-Hoàng Đình Trung
13. Quyền con người trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, tác giả Đỗ Văn Lộc
14. Xuyên tạc phẩm chất trung thành của quân đội-trò “bình mới”, “rượu cũ” của các thế lực thù địch, tác giả Trần Minh Đức
15. Cảnh giác với những suy diễn về 19 điều đảng viên không được làm, tác giả Hà Nguyên Bình Minh
Tin, ảnh: Vũ Minh - Việt Cường