26 bức thư không gửi (29/11/2012)
Tôi biết Vũ qua một lần bạn lên nhận phần thưởng “Học sinh giỏi toàn diện” của huyện đảo Vân Đồn năm học 1963-1964. Người Vũ nhỏ bé, nước da pha một chút nắng gió mặn mòi vùng biển đảo quê tôi. Tất cả các cặp mắt vừa tò mò, vừa thán phục đổ dồn về phía Vũ làm cậu thẹn đỏ mặt. Dọc đường, chúng tôi về cùng với Vũ, hình như Vũ vẫn chưa hết ngượng ngùng. Vũ vừa đi vừa đá những con bồ câu, một loại sinh vật biển mình tròn, màu trắng, đi từng đàn, đang xe cát trên bãi biển, còn phần thưởng thì nhờ bạn cầm giúp. Phần thưởng dành cho học sinh giỏi toàn năng là niềm mơ ước của mỗi chúng tôi, bởi lẽ, đó là cả quá trình phấn đấu trong suốt bốn năm học của người học sinh. Thoa, bạn cùng lớp với Vũ, bảo tôi: “Trình Vũ vừa học giỏi, vừa khéo tay, nó vẽ đẹp lắm…”. Tôi cứ nhìn theo mãi cái bóng nho nhỏ của Vũ đang khuất dần về phía bãi biển Minh Châu, lòng đầy thán phục. Đang học dở lớp bảy, Trình Vũ viết đơn bằng máu xung phong đi bộ đội.
Năm 1972, khi tôi đang dạy học tại trường cấp I, II xã Thạch Hà (nay là thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn), thật bất ngờ, Hà, vợ Vũ, về dạy cùng trường với tôi. Lúc ấy, Vũ đã hi sinh. Chúng tôi cùng trang lứa, lại đồng hương ở đảo, nên Hà hay kể với tôi về Vũ, về tình yêu, về “đám cưới” chỉ có đăng ký kết hôn với anh chiến sĩ trinh sát đó rồi trở lại chiến trường ngay. Cứ mỗi lần như vậy, Hà lại khóc nhiều.
Một buổi sáng tháng 11-1973, tôi đang chuẩn bị lên lớp thì thấy mẹ Vũ tay xách một giỏ cá đi thẳng vào sân trường. Sau những lời chào hỏi của mọi người, hai mẹ con vào phòng vừa nói, vừa ôm nhau khóc. Trong tiếng nức nở đó, tôi vẫn nghe rõ: “Thôi con ạ, thằng Vũ đã vì nước, vì dân mà hi sinh, con xem có ai yêu thương thì xây dựng với người ta…”. Tôi lẳng lặng ra ngoài, dành giây phút riêng tư cho hai mẹ con họ.
Một ngày chủ nhật, mọi người đi vắng hết, Hà gọi tôi sang phòng. Trước mắt tôi là những kỷ vật của Vũ: Một chiếc khăn mùi xoa ướt đẫm máu, đã khô cong, nhưng tôi vẫn nhìn rõ đôi chim bồ câu đang bay và hai chữ “Hà - Vũ” bằng nét mực Cửu Long. Hà bảo tôi: “Chiếc khăn này bằng vải phin trắng, mình thêu đôi chim… trao cho chồng khi anh vào lại chiến trường, Vũ gấp làm tư, luôn để ở túi áo ngực!”. Một phần của chiếc bút máy đã vỡ tan nhưng còn ngòi và bầu mực. Tôi xúc động thật sự khi mở tiếp kỷ vật thứ ba của Vũ: quyển sổ bìa bằng giấy xi măng đã nhàu theo tháng năm, bên trong là giấy pơ-luya trắng. Ngay trang đầu, dòng chữ “Những bức thư không gửi” được tô đậm. Phía trên trang giấy là một bông hoa xinh đẹp và một đôi bồ câu đang bay.
Trong quyển sổ ấy, Vũ viết 26 “bức thư không gửi” cho Hà. Vũ khoanh tròn thứ tự từng bức từ một đến hai mươi sáu. Mở đầu những bức thư ấy, Vũ viết: “Chiến trường ác liệt, mọi thứ đều thiếu thốn, không có điều kiện gửi thư về cho em. Anh ghi những bức thư không gửi này, hi vọng một ngày nào đó sẽ tới tay em…”. Và tôi đọc, đọc mải miết trong ngày chủ nhật, hết hai mươi lăm bức thư của Vũ. Nội dung chứa đựng một tình yêu mãnh liệt: Vợ chồng, gia đình, quê hương đất nước… và những đồng đội cùng sống chết với mình. Vũ vui khi đồng đội còn nguyên vẹn trở về, khóc thương những đồng đội đã hi sinh; “không nuốt nổi miếng cơm” khi đồng đội chiến đấu chưa về. Có bức, Vũ hỏi người vợ thân yêu của mình: “Chiếc áo anh may em mặc có vừa không, và đôi dép nữa, em đi thiếu hay thừa? Rất tiếc, anh không được ngắm nhìn những thứ mà mình sắm cho vợ!”. Cuối cùng, Vũ động viên Hà: “Ngày mai chiến thắng trở về, anh sẽ đắp đổi cuộc sống cho em, báo hiếu cho cha mẹ”. Vũ rất tin vào “ngày mai” ấy!
Riêng bức thư thứ hai mươi sáu, Vũ viết:
“Cầu Quảng Trị ngày… tháng 2 năm 1971
Hà thương nhớ của anh!
(Vũ để cách một khoảng trống).
Anh đang định ghi thư cho em thì nhận được lệnh đi chiến đấu. Đánh trận xong, anh về ghi tiếp em nhớ!”…
Vũ đã ra đi mãi mãi không về để ghi tiếp những bức thư không gửi cho Hà nữa! Thế đấy, những người lính ra trận, từng ngày, từng giờ, giáp mặt với cái chết mà họ vẫn bình tĩnh, thanh thản đến lạ lùng.
Đọc xong “Những bức thư không gửi”, tôi nói với Hà:
-
Trình Vũ đang học dở lớp bảy mà viết hay như nhà văn ấy.
-
Vũ là một thanh niên xuất chúng.
Hà nói nhỏ. Hình ảnh một cậu bé Vũ nhỏ bé, thẹn thùng lên nhận phần thưởng học sinh giỏi toàn diện ngày nào, lại về rõ nét trong tôi!...
PHẠM THỊ KHOẢN