Đây là sự đầu tư có chiều sâu, dài hạn và có hiệu quả của Đảng và Nhà nước để phát triển nguồn nhân lực và nhân tài cho đất nước. Ngân hàng Chính sách Xã hội khẳng định, sau 3 năm triển khai Quyết định 157/2007/QĐ-TTg, tuyệt đại đa số đối tượng vay đều đủ tiêu chuẩn, sử dụng vốn vay hiệu quả và đúng mục đích.

Tính đến 31/12/2010, tổng dư nợ của chương trình là 26.052 tỷ đồng, với mức cho vay tối đa được điều chỉnh tăng từ 800.000 đồng lên 900.000 đồng/sinh viên/tháng hiện nay, lãi suất 0,5%/tháng, thấp hơn so với mức lãi suất cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Chương trình đã tạo điều kiện cho trên 2 triệu học sinh, sinh viên thuộc gần 1,8 triệu hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường.

Trong 3 năm thực hiện, chỉ có 170 trường hợp cho vay sai đối tượng. Số nợ quá hạn chỉ chiếm 0,3% tổng dư nợ. Hiện, doanh số thu nợ là 1.310 tỷ đồng, đạt 81% nợ đến hạn. Công tác thu hồi nợ cũng khả quan hơn kể từ khi chuyển từ phương thức cho vay trực tiếp đến học sinh sinh viên sang cho vay ủy thác thông qua các tổ chức Hội, đoàn thể và hộ gia đình.

Để chương trình phát huy hiệu quả hơn nữa, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các Bộ, ngành và địa phương điều chỉnh một số điểm, mà trước hết là cập nhật những quy định, hướng dẫn chi tiết mới về các hộ gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn, chậm nhất 30/5/2011 ban hành hướng dẫn này để chuẩn bị bước vào năm học mới. Song song với chương trình tín dụng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tập trung chuẩn bị để tới cuối tháng 5/2011, công bố chương trình máy tính giá rẻ cho học sinh sinh viên.

Các cơ quan truyền thông cần tập trung tuyên truyền sâu rộng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và thời lượng nhiều hơn nữa để học sinh, sinh viên và nhân dân được biết và hiểu rõ về chính sách này của Chính phủ.

A Hoàng