20% doanh nghiệp Nhà nước chịu lỗ để kìm lạm phát (09/12/2011)
Ngày 8/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải và Vũ Văn Ninh đồng chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2001-2010.
16 Bộ ngành, địa phương và 9 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã lần lượt trình bày báo cáo về quá trình 10 năm đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp trước khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận Hội nghị
Trong 10 năm qua, cả nước sắp xếp được trên 4.750 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa gần 3.390 doanh nghiệp; nếu tính cả thời gian trước đó là trên 5.370 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa gần 3.980 doanh nghiệp. Đến tháng 10/2011, cả nước còn 1.309 doanh nghiệp, trong đó có 452 doanh nghiệp an ninh, quốc phòng tham gia hoạt động công ích, 857 doanh nghiệp kinh doanh; tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực theo chốt, địa bàn quan trọng mà Nhà nước cần nắm giữ hoặc lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác ít hoặc chưa tham gia.
Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có cơ cấu đa sở hữu; chủ yếu hoạt động trong những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế đã được kiện toàn về mô hình tổ chức quản lý.
Bên cạnh việc khẳng định những kết quả đạt được, Hội nghị cũng thẳng thắn nêu lên những tồn tại, hạn chế cần khắc phục của công tác sắp xếp, chuyển đổi sở hữu, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước như, một số cơ chế, chính sách ban hành thường chậm; chưa kịp thời giải đáp, tháo gỡ được yêu cầu của thực tiễn.
Về phương hướng nhiệm vụ và giải pháp tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, Hội nghị xác định rõ việc phân loại và thực hiện cơ cấu lại trên 1.300 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hiện có đến năm 2015 theo tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước. Thực hiện mạnh mẽ, có hiệu quả tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước theo ngành, lĩnh vực kinh doanh, không phân biệt cấp, cơ quan quản lý để sử dụng có hiệu quả hơn cơ sở vật chất. Tái cơ cấu từng doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước một cách toàn diện mô hình tổ chức, quản lý, tài chính, kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển… trên cơ sở xác định rõ nhiệm vụ, ngành nghề, chiến lược phát triển và đánh giá hiệu quả sử dụng các nguồn lực….Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng trong doanh nghiệp nhà nước ở 5 nội dung là lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, lãnh đạo công tác cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát; lãnh đạo các tổ chức chính trị-xã hội và đẩy mạnh quy chế phối hợp.
Hàng loạt các giải pháp thực hiện cũng được đề ra, trong đó có việc tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong năm 2011 của các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và chỉ đạo thực hiện quyết liệt; tập trung hoàn thiện khung khổ pháp luật và tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế nhà nước đã được thí điểm thành lập; đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn điều lệ theo đúng các phương án đã được phê duyệt; tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước;…
Với thông điệp chính là cần đây nhanh quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp quốc doanh, trong đó tập trung vào cổ phần hoá, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng quá trình này cần được thực hiện dựa trên sự đánh giá đầy đủ và toàn diện về thực trạng của các tập đoàn, tổng công ty cũng như các doanh nghiệp Nhà nước nói chung.
Theo Thủ tướng, một trong những thành công lớn của 10 năm đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước vừa qua là đưa được số làm ăn thua lỗ hoặc hoà vốn từ 60% xuống 20%. Con số này tuy còn cao nhưng theo người đứng đầu Chính phủ, cần được đặt trong điều kiện các doanh nghiệp không chỉ sản xuất kinh doanh đơn thuần mà còn đóng vai trò “lực lượng vật chất” để Nhà nước can thiệp thị trường, ổn định vĩ mô.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhìn chung doanh nghiệp nhà nước đảm bảo yêu cầu mà nhà nước giao, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế như đảm bảo an ninh năng lượng, thị trường tiền tệ, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong những lĩnh vực mà tư nhân chưa thể làm được như hàng không, viễn thông, xây dựng các công trình lớn, các lĩnh vực an ninh quốc phòng… kết quả đó đóng góp vào những thành tựu chung của đất nước.
Chỉ rõ những hạn chế, yếu kém của doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng thể chế quản lý chưa đồng bộ, còn vướng mắc, còn chưa phù hợp; hoạt động cổ phần hóa còn chậm; nhiều doanh nghiệp nhà nước chưa làm tốt vai trò và nhiệm vụ được giao, hiệu quả kinh doanh thấp; một số doanh nghiệp để thua lỗ kéo dài; một số doanh nghiệp để xảy ra tiêu cực, sai phạm, làm ảnh hưởng tới uy tín chung của doanh nghiệp nhà nước… là nguyên nhân cần phải tập trung làm rõ và có biện pháp khắc phục trong thời gian tới.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh mục tiêu kiên định là tiếp tục đổi mới, sắp xếp, hay nói cách khác là tái cơ cấu để doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả cao hơn so với nguồn lực được giao; làm tốt vai trò, chức năng được Đảng và Nhà nước giao cho doanh nghiệp nhà nước , trong đó có vấn đề đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao Huân chương Lao động hạng ba cho Bộ Công Thương, Cục Tài chính doanh nghiệp, Ban Chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp Nhà nước vì đã có những thành tích trong sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước./.
Cao Thúy