12 tỉnh, thành kéo dài cách ly xã hội đến 22/4 hoặc 30/4
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng đồng ý nhóm nguy cơ cao gồm 12 địa phương, trong đó có Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... tiếp tục cách ly xã hội đến 22/4 hoặc 30/4.
Kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều nay về phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với ý kiến của Ban chỉ đạo về việc phân loại, khả năng ứng phó về dân số, giao thông, đặc biệt nơi có nhiều ca lây nhiễm.
Theo đó, Thủ tướng đồng ý chia làm 3 nhóm: nhóm tỉnh thành có nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp. Các nhóm này không phải bất biến, cuộc họp tuần sau sẽ xem lại để điều chỉnh.
Thủ tướng cho biết, nhóm nguy cơ cao gồm 12 địa phương: Hà Nội, TP.HCM, Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Ninh Bình, Khánh Hòa, Tây Ninh, Bình Thuận và Hà Tĩnh.
"12 địa phương này sẽ tiếp tục thực hiện chỉ thị 16 đến ngày 22/4 hoặc 30/4 tuỳ tình hình cụ thể, có thể kéo dài hơn nữa nếu vẫn có tình trạng lây nhiễm", Thủ tướng nhấn mạnh. Các tỉnh thành có nguy cơ cao đều thực hiện các giải pháp phòng chống dịch theo chỉ thị 16.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, cũng có thể có tỉnh sẽ được bổ sung nếu có tình trạng lây nhiễm chưa phát hiện có thể xảy ra sau này.
Tuy là nhóm có nguy cơ cao nhưng nhóm này cũng cần quan tâm đến sản xuất, xây dựng hạ tầng, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa. Trong lãnh đạo chỉ đạo cần tập trung cao hơn đối với những nơi nguy cơ cao này.
Nhóm nguy cơ gồm 15 địa phương: Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Hà Nam, Hải Phòng, Kiên Giang, Nam Định, Nghệ An, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Sóc Trăng, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước, Đồng Tháp. Thủ tướng yêu cầu có lộ trình thực hiện chỉ thị 16, thực hiện nghiêm chỉ thị 15 và quyết định cuối cùng của nhóm này dựa trên tình hình thực tiễn đến ngày 22/4.
Nhóm nguy cơ thấp gồm 36 địa phương còn lại, tuy nhiên khả năng lây nhiễm rất cao, cần tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ thị 15 của Chính phủ.
Thủ tướng giao Chủ tịch UBND tỉnh thành quyết định cụ thể việc thực hiện giãn cách xã hội, các biện pháp cụ thể trên địa bàn của mình một cách nghiêm túc; quyết định cụ thể các cơ sở, dịch vụ kinh doanh cần đóng cửa; giám sát chặt chẽ các dự án công trường...
Báo cáo Thường trực Chính phủ trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Ban chỉ đạo kiến nghị Thủ tướng phân loại các địa phương theo 3 nhóm: Nhóm có nguy cơ cao, nhóm có nguy cơ và nhóm nguy cơ thấp để có biện pháp phòng chống dịch phù hợp tương ứng.
Trong đó, nhóm nguy cơ cao thực hiện các biện pháp bắt buộc, gồm có: hạn chế ra khỏi nhà, khi ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang; thường xuyên rửa tay, giữ khoảng cách tiếp xúc với người khác tối thiểu 2 mét; cấm tập trung đông người (kể cả các sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng); cấm các dịch vụ vui chơi giải trí, tiếp tục đóng cửa các khu du lịch.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cũng đề nghị chia tình hình dịch bệnh theo tình hình các địa phương và áp dụng việc cách ly xã hội với các địa phương có nguy cơ cao đến hết 22/4.
"Không cần thiết phải tiếp tục cách ly toàn quốc vì các lực lượng và nhân dân đã có trải nhiệm, kinh nghiệm về phòng, chống Covid-19. Dù không cách ly xã hội thì người dân vẫn có thể tiếp tục thực hiện các biện pháp như đeo khẩu trang, không tụ tập đông người, hạn chế giao tiếp", ông Mai Tiến Dũng lý giải.
Theo ông Dũng, trong những ngày gần đây áp lực xã hội về vấn đề cách ly gia đình, xã hội dài như thế nên mong muốn của người dân là đối với các tỉnh không có nguy cơ lây nhiễm thì nên nới lỏng ra.
Đến thời hạn 22/4, theo dịch tễ học, sau 14 ngày kể từ ca mắc cuối cùng trong cộng đồng không có nguồn lây như ca 21 tại Hà Nam ngày 8/4 và không mắc mới trong cộng đồng thì có thể yên tâm hơn.
Đối với các địa phương có nguy cơ thấp, ông Dũng cho rằng có thể cho các cửa hàng hoạt động trở lại nhưng việc tụ tập vẫn không quá 10 người, có thể nới dần. Nếu các tỉnh không có nguy cơ cao thì có thể cách ly xã hội giảm dần xuống mức độ.
Ông Mai Tiến Dũng cũng cho biết, việc đóng cửa các hoạt động kinh doanh dịch vụ không cần thiết thời gian cách ly xã hội đã khiến hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, tỷ lệ DN ngừng hoạt động cao, 1 số DN phá sản.
Từ đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP kiến nghị Chính phủ xem xét cho các cửa hàng hoạt động trở lại nhưng vẫn tuân thủ phòng dịch như giới hạn số khách, khoảng cách tiếp xúc 2m… “Các tỉnh nguy cơ cao có thể tiếp tục cách ly xã hội nhưng giảm dần mức độ. Các trường học có thể xem xét cho học sinh đi học lại sau 11/5 nếu số ca nhiễm được kiểm soát” - ông đề xuất.
PV