10 sự kiện quốc tế tiêu biểu năm 2017

  1. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) ra đời, thay thế cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Mỹ rút khỏi TPP. Đây là một hiệp định toàn diện và quy chuẩn cao, vẫn giữ nguyên các nội dung của hiệp định TPP cũ, nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số nghĩa vụ. Sự ra đời của CPTTP thể hiện xu thế hội nhập quốc tế tất yếu, sự nỗ lực rất lớn của 11 nước TPP còn lại, đặc biệt là Việt Nam.
  2. “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào” và “Năm hữu nghị Việt Nam - Campuchia” thành công với nhiều hoạt động sôi nổi, phong phú và thiết thực diễn ra ở cả Việt Nam, Lào, Campuchia. Qua đó, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia phát triển sâu rộng, thiết thực và hiệu quả.
  3. Đại hội lần thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua quyết sách xây dựng Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới, thực hiện giấc mơ phục hưng dân tộc Trung Hoa. Việc đưa “Tư tưởng Tập Cận Bình về CNXH mang đặc điểm Trung Quốc trong thời đại mới” vào Điều lệ Đảng đánh dấu ông Tập Cận Bình là vị lãnh đạo Trung Quốc đương nhiệm thứ hai nhận được sự tôn vinh này, chỉ sau Chủ tịch Mao Trạch Đông.
  4. Tổng thống Donald Trump thay đổi, bổ sung hàng loạt chính sách của nước Mỹ trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Như: Cấm người di cư từ một số quốc gia Hồi giáo; rút khỏi Hiệp định TPP, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu; rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc; không công nhận Thỏa thuận hạt nhân Iran; công nhận Jerusalem là thủ đô Israel… Những động thái này của ông Trump đang khiến nhiều nước trên thế giới lo lắng và đẩy nước Mỹ vào thế tự cô lập.
  5. Triều Tiên tiến hành hàng loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo tầm xa. Gần nhất là vụ phóng tên lửa Hwasong-15 ngày 29-11, đạt độ cao tới 4.000km, có tầm phóng hơn 13.000km, đủ vươn tới thủ đô Washington và bất cứ khu vực nào của lục địa Mỹ. Nhà lãnh đạo Kim Jong Un tuyên bố Triều Tiên đã hoàn chỉnh lực lượng hạt nhân quốc gia. Trong khi đó, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản tiếp tục các cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn, làm cho tình hình Đông Bắc Á thêm căng thẳng và diễn biến phức tạp.
  6. Các hoạt động kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga diễn ra trọng thể ở nhiều nước trên thế giới. Cho thấy, dù các thế lực thù địch đẩy mạnh xuyên tạc, phủ nhận giá trị lịch sử, ý nghĩa to lớn của Cách mạng Tháng Mười, song không thể xóa bỏ tầm vóc và ý nghĩa thời đại của sự kiện này. Đó là, mở ra cho nhân loại con đường hướng tới hòa bình và tiến bộ, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ.
  7. Tình hình Trung Đông, điểm sáng đan xen nhiều nét tối. Cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang đi đến hồi kết; cuộc khủng hoảng Syria chuyển sang tiến trình chính trị. Tuy nhiên, tiến trình này sẽ còn kéo dài và phức tạp nếu các bên liên quan không nhượng bộ lợi ích. Trong khi đó, quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia, giữa Saudi Arabia và Qatar vẫn căng thẳng; cuộc nội chiến ở Yemen chưa có dấu hiệu dừng lại. Tổng thống Mỹ Donald Trump lại đổ thêm dầu vào lửa khi tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô Israel.
  8. Nga gửi đi thông điệp không thể tranh cãi về vai trò cường quốc của mình sau khi giúp Chính phủ Syria giành chiến thắng trong cuộc chiến chống IS. Trong khi đó, nền kinh tế Nga đã vượt qua giai đoạn suy thoái và bước sang thời kỳ tăng trưởng (đạt 1,5% năm 2017 và 2,3% năm 2018, lạm phát chỉ còn 4%), bất chấp các lệnh cấm vận của phương Tây. Ở năm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Putin, Nga đang ngày càng tự tin và cho thấy tầm quan trọng trong các vấn đề lớn của thế giới.
  9. Một năm đầy nhọc nhằn của Liên minh châu Âu, trong bối cảnh bị “mất” nước Anh và gia tăng chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa dân túy, 28 thành viên không tìm tìm thấy tiếng nói chung trong nhiều lĩnh vực: khủng hoảng người di cư, quan hệ với Nga, đối sách với Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Nước Đức - “đầu tàu” của khối cũng bất an, khi lần đầu tiên từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 rơi vào khủng hoảng chính trị trong việc thành lập chính phủ liên minh. Tất cả những yếu tố này đang đe dọa sự thống nhất của EU sau hơn 60 năm tồn tại.
    Báo CCB Việt Nam