10 Sự kiện quốc tế nổi bật năm 2014
Năm 2014, trên thế giới đã xảy ra muôn vàn những sự kiện lớn, nhỏ. Có những sự kiện xảy ra ở một điểm, một khu vực lãnh thổ quốc gia, nhưng tác động lớn đến đời sống chính trị, kinh tế của loài người. Báo CCB Việt Nam chọn và giới thiệu tới bạn đọc 10 sự kiện
1- Ngày 2-5, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong Vùng đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa của Việt Nam. Đến ngày 15-7, trước sự phản ứng quyết liệt, hợp lí, hợp tình của Nhà nước và nhân dân Việt Nam, dưới sức ép của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc đã phải rút giàn khoan.
Sự kiện Hải Dương 981 cũng cho thấy tinh thần yêu nước, sự quả cảm của mọi tầng lớp người dân và lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam, sự đúng đắn của đường lối đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng, Nhà nước ta trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
2- Năm thắng lợi to lớn trong hoạt động đối ngoại của Việt Nam. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thực hiện nhiều chuyến thăm đến các nước, đón và hội đàm với nguyên thủ nhiều nước đến thăm Việt Nam, tham dự các hội nghị cấp cao quốc tế và khu vực... Hàng loạt văn kiện hợp tác, thỏa thuận kinh tế, thương mại, quốc phòng được hoàn tất và ký kết, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Việt Nam đã coi trọng vai trò, tiếng nói của các thể chế, các diễn đàn đa phương, đặc biệt là LHQ, ASEAN, Phong trào Không liên kết. Chính sự ủng hộ mạnh mẽ của bạn bè quốc tế tại các diễn đàn đa phương đã góp phần quan trọng đề cao chủ trương giải quyết tranh chấp trên Biển Đông thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, các nguyên tắc ứng xử của khu vực, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
3- Cuộc khủng hoảng Ukraine, với các đỉnh điểm là cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống hợp hiến Yanukovich, việc Nga tái sáp nhập bán đảo Crimea và cuộc nội chiến tại quốc gia Đông Âu này dẫn đến những biện pháp cô lập, trừng phạt khắc nghiệt của Mỹ và đồng minh đối với Nga, đã đưa quan hệ Nga-phương Tây hạ đến mức “chạm đáy”.
Phương Tây chưa và không bao giờ muốn nhìn thấy một nước Nga hùng mạnh, tự cường, có tiếng nói to lớn trong các vấn đề quốc tế, khu vực. Họ đã vượt qua “giới hạn đỏ”. Chính vì thế, nước Nga dưới thời Tổng thống Putin, với tinh thần Nga truyền thống, với thế và lực mới, đã buộc phải bảo vệ và sẽ bảo vệ thành công những lợi ích địa chính trị “cuối cùng” của mình.
Cuộc khủng hoảng Ukraine, với những diễn biến, tình tiết phức tạp và còn lâu mới có hồi kết, là biến động sâu sắc chưa từng có kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, tác động mạnh mẽ đến bản đồ địa chính trị thế giới trong thời gian tới.
4- Mỹ và Cuba quyết định tái thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 17-12, mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ song phương sau hơn 52 năm gián đoạn. Mặc dù đây mới chỉ là bước đi đầu tiên trong quá trình lâu dài và không ít trở ngại, song sự kiện này là bước ngoặt quyết định, đánh dấu mốc lịch sử để Mỹ sớm dỡ bỏ lệnh bao vây cấm vận kéo dài suốt hơn nửa thế kỷ qua với Cuba, qua đó giúp thúc đẩy mối quan hệ song phương trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, thể thao... đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân hai nước. Có thể xem quyết định lịch sử này như một bước đi tất yếu và khôn ngoan của cả hai nước trong một thế giới mở đang thay đổi từng ngày.
5- Dịch Ebola bất ngờ bùng phát ở Tây Phi, lây lan nhanh, tỉ lệ tử vong lúc cao điểm lên tới hơn 70% ca mắc nhiễm, làm hơn 7.600 người thiệt mạng. Nhờ những nỗ lực to lớn của cộng đồng quốc tế, đến nay, về cơ bản dịch đã được khống chế. Tuy nhiên, dịch Ebola đã cho thấy những yếu kém của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong công tác phòng ngừa cũng như dập dịch, đồng thời phản ánh những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến nguồn lực tài chính, tổ chức bộ máy và đội ngũ nhân sự của WHO. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon từng lên tiếng phê phán thế giới chưa đủ nỗ lực để chống lại Ebola… do thiếu sự đoàn kết quốc tế. Quan trọng hơn, các nước giàu cần hỗ trợ để người dân các nước nghèo, nhất là các nước châu Phi nhanh chóng thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, chứ không chỉ đua nhau bòn rút tài nguyên và sức lao động của họ.
6- Lần đầu tiên kể từ năm 2006, Đảng Cộng hòa quay trở lại kiểm soát cả hai viện Quốc hội Mỹ sau bầu cử giữa nhiệm kỳ, ngày 4-11. Tình thế này khiến Tổng thống Obama phải mất nhiều thời gian và công sức để “cân bằng” chính sách, thay vì tập trung vào những vấn đề mà ông đang ưu tiên thực hiện cũng gây một làn sóng dư luận về nhân quyền và thiếu nhân quyền ở cường quốc số 1 thế giới này.
7- Trung Quốc tiếp tục quá trình “trỗi dậy”, tuy nhiên với những trở ngại, thách thức to lớn. Những hành động gây hấn, gặm nhấm Biển Đông kết hợp với những “hợp đồng thế kỷ” và những bước đi đầy thực dụng với các nước cho thấy Bắc Kinh đang thực hiện cả các biện pháp “cứng” và “mềm” nhằm hiện thực hóa “giấc mơ Đại Trung Hoa”. Tuy nhiên, những “bước đi” đó liệu có thành công trong bối cảnh nội tình đất nước đông dân nhất thế giới này đang bộc lộ nhiều vấn đề như tham nhũng, lợi ích nhóm, tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm, nợ xấu, bất ổn xã hội (điển hình là Phong trào “chiếm trung tâm” ở Hồng Kông)… vẫn là câu hỏi còn để ngỏ.
Những thách thức hiện nay được đánh giá là nghiêm trọng và ở mức độ rộng lớn hơn nhiều so với những gì mà Trung Quốc phải đối đầu trước đây.
8- Các định chế, tổ chức quốc tế, khu vực có vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế thế giới.
ASEAN đang triển khai mạnh mẽ việc hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 và bước vào giai đoạn phát triển tiếp theo, phát huy vai trò trung tâm trong các vấn đề quốc tế, khu vực.
Diễn đàn hợp tác Á-Âu đẩy mạnh hợp tác trên cả 3 trụ cột là đối thoại chính trị, hợp tác kinh tế và hợp tác trên các lĩnh vực khác, đặc biệt là thúc đẩy hợp tác kinh tế-tài chính thông qua tăng cường kết nối Á-Âu.
Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tăng cường đóng góp của APEC vào việc thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương, liên kết kinh tế và kết nối khu vực, cải cách kinh tế và tăng trưởng.
Các nước G20 đặt mục tiêu nâng GDP của nhóm này thêm ít nhất 2% trong 5 năm tới, từ đó sẽ tạo thêm hơn 2.000 tỷ USD cho kinh tế toàn cầu và tạo thêm hàng triệu việc làm.
Đặc biệt, các tổ chức quốc tế, khu vực đều bày tỏ quan ngại về tình hình trên Biển Đông; nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực; bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không.
9- Sự ra đời đầy sức mạnh của Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Trung Đông - đã buộc Mỹ một lần nữa phải tiến hành cuộc chiến chống khủng bố. Giống như cuộc chiến cũng do Mỹ khởi xướng 13 năm trước, dù đã tập hợp được một Liên minh đa quốc gia trong cuộc chiến này, song lịch sử sẽ lặp lại. Đó là, Mỹ sẽ không thể nhanh chóng và hoàn toàn đạt được mục tiêu đề ra. Ngay khi lực lượng IS bị suy yếu, tiêu diệt, ắt sẽ xuất hiện một “IS” khác, một khi vẫn còn tham vọng cường quyền và những chính sách lá mặt lá trái trong quan hệ quốc tế giữa
10- Thế giới năm 2014 trở nên u ám hơn bởi những vụ tai nạn hàng không thảm khốc, bí ẩn và đôi khi mang dấu ấn chính trị.
Đáng kể nhất, ngày 8-3, chiếc máy bay Boeing 777-200ER mang số hiệu MH370 chở 12 thành viên phi hành đoàn và 227 hành khách tới từ 15 quốc gia trên đường từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh đã biến mất khoảng một tiếng sau khi cất cánh. Bất chấp những nỗ lực tìm kiếm đa quốc gia, đến nay chưa tìm thấy mảnh vỡ máy bay nào cũng như địa điểm nó lao xuống.
Đặc biệt, ngày 17-7, chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH17 của Hãng hàng không Malaysia Airlines từ Amsterdam tới Kuala Lumpur bị bắn rơi ở miền đông Ukraine. Toàn bộ 283 hành khách và 15 thành viên tổ bay thiệt mạng. Kiev và các đồng minh phương Tây cáo buộc lực lượng ly khai Ukraine đứng sau vụ việc. Trong khi đó, phe phiến quân và Nga cho rằng quân đội Ukraine mới là thủ phạm. Vụ việc đã “đổ thêm dầu vào lửa” trong lúc khủng hoảng Ukraine vẫn chưa có đường ra.
Và trong những ngày cuối của năm, ngày 28-12-2014, máy bay của hãng hàng không Air Asia (Indonesia) mang số hiệu QZ8501 đã mất tích trên lộ trình từ Indonesia tới Singapore, mang theo 162 hành khách, đến từ 6 quốc gia; trong đó có 156 hành khách và 6 người trong tổ bay. Có thể máy bay QZ8501 đã nằm dưới đáy biển theo lới của người đứng đầu lực lượng tìm kiếm của Indonesia.
Nguyễn Đăng Song