10 năm thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác của Hội CCB Việt Nam: Hiệu quả và thiết thực (28/03/2013)

Bước đi đầu tiên thực hiện hoạt động ủy thác, T.Ư Hội CCB Việt Nam đã hướng dẫn Hội CCB các cấp nắm vững nội dung và ký hợp đồng ủy thác với Ngân hàng CSXH, đảm nhận 6 nội dung công việc trong quá trình cho vay. Sau 10 năm, 100% số tổ chức Hội CCB cấp tỉnh, cấp huyện đã ký văn bản liên tịch và triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung ký kết, chỉ đạo Hội CCB cấp xã ký hợp đồng ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH cấp huyện để thực hiện chương trình liên tịch một cách thống nhất, hiệu quả. Đã có hàng chục vạn lượt cán bộ Hội các cấp và tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn được tập huấn nghiệp vụ ủy thác, nghiệp vụ tín dụng ngân hàng, kiến thức quản lý tổ. Các tổ chức cơ sở Hội ở khắp mọi vùng miền trên cả nước đã cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức họp các hộ CCB nghèo, các đối tượng được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước trên địa bàn để tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và quy định của Ngân hàng CSXH, tiến hành thành lập tổ tiết kiệm và vay vốn, xây dựng quy ước hoạt động…

Đến ngày 31-12-2008, số lượng tổ tiết kiệm và vay vốn của CCB cả nước có 27.642 tổ với 820.463 hộ còn dư nợ với tổng số tiền dư nợ là 6.469,594 tỷ đồng. Sau 5 năm, tính đến 31-12-2012, số tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội CCB cả nước quản lý đã tăng lên 32.791 tổ với 1.038.040 hộ còn dư nợ với số tiền dư nợ là 16.622.435 triệu đồng (tăng 256,9% so với năm 2008), mức vay bình quân hộ liên tục tăng lên từ 3,74 triệu đồng năm 2003 lên 6,45 triệu đồng năm 2008 và 16 triệu đồng năm 2012; nợ quá hạn liên tục giảm từ 1,68% năm 2003 xuống 1,12% năm 2008 và 0,98% năm 2012. Hội CCB ở các cơ sở trong cả nước đều tham gia tích cực các chương trình này. Do vậy, số hội viên nghèo và các đối tượng chính sách khác ở địa phương từ các tỉnh miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng cho đến các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và ĐBSCL được tiếp cận, sử dụng nguồn vốn này càng cao, đến nay đã có 553.972 hộ được vay vốn. Từ nguồn vốn này, rất nhiều hộ CCB và đối tượng chính sách đã sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay để mua giống gia súc, gia cầm, mua cây giống các loại để nuôi trồng đem lại nguồn thu nhập đáng kể, cải thiện cuộc sống, xóa được đói, giảm được nghèo và vươn lên làm giàu. Mặc dù Hội CCB tham gia hoạt động vay vốn sau so với các đoàn thể chính trị-xã hội khác, nhưng do có sự phối hợp chỉ đạo chặt chẽ của các cấp Hội và Ngân hàng CSXH, sự phối hợp hoạt động nhiệt tình, có trách nhiệm của các tổ tiết kiệm và vay vốn của CCB nên tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh (bình quân hàng năm tăng thêm 20-50%). Nhiều Tỉnh, Thành hội có hiệu quả cao trong việc quản lý và sử dụng nguồn vốn tín dụng ưu đãi, trong đó nổi lên là Hội CCB các tỉnh, thành phố: Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Phú Thọ, Lào Cai, Thái Nguyên, Nghệ An, Quảng Nam, Bình Dương… Cùng với các nguồn vốn vay khác, các cấp Hội trong cả nước đã giải quyết việc làm cho 882.558 CCB và con em CCB, gia đình chính sách. Hội viên CCB Lờ A Sử dân tộc H'mông ở xã Sáng Nhè, huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) với số vốn ban đầu 2,5 triệu đồng vay Ngân hàng CSXH và bán một tấn thóc để mua bò, đào ao thả cá nay đã có lãi 200 triệu đồng/năm và giúp cho 4 hộ xung quanh thoát nghèo. CCB, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam Nguyễn Hữu Trọng là Giám đốc Công ty XNK hàng thủ công mỹ nghệ Việt-Nhật (Hà Nội) tổ chức dạy nghề và tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động có thu nhập 3-4 triệu đồng/người/tháng. CCB Nguyễn Xuân Sắc, Giám đốc Công ty thương binh Đoàn Kết (Quảng Ninh) tạo việc làm ổn định cho 215 người, chủ yếu là thương binh, con thương binh, liệt sĩ và người tàn tật ở địa phương… Những tấm gương CCB tiêu biểu như vậy xuất hiện ở khắp các địa phương trong cả nước.

Để đôn đốc các địa phương thực hiện tốt công tác vay vốn, quản lý vốn chặt chẽ, hiệu quả, hàng năm, T.Ư Hội CCB Việt Nam thường xuyên tổ chức 10-15 đoàn công tác đến các địa phương trong cả nước; cùng với đó là công tác kiểm tra của Hội CCB các tỉnh, thành phố; phối hợp kiểm tra với Ngân hàng CSXH, trong năm 2007, T.Ư Hội CCB Việt Nam đã cử 9 đoàn cán bộ đi kiểm tra, nắm tình hình tại 18 xã, 35 huyện, 33 tỉnh; trong đó có 5 tỉnh thuộc ĐBSCL, nơi có tỷ lệ nợ quá hạn cao từ 11-18,68%. Qua công tác kiểm tra, các đoàn đã chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến yếu kém, tồn tại; xác định giải pháp và rút kinh nghiệm chỉ đạo thực tế. Sau kiểm tra, các địa phương này đã có chuyển biến rõ rệt, các tổ tiết kiệm và vay vốn được củng cố, phân tích được nguyên nhân nợ quá hạn và khắc phục được những tồn tại. Kết quả thời gian qua cho thấy, các địa phương có “vấn đề” đã chuyển biến về căn bản, sử dụng có hiệu quả đồng vốn được vay, không để thất thoát, bảo toàn đồng vốn. Thông qua hoạt động ủy thác của Hội CCB đã giúp cho kênh tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng, an toàn và tiết kiệm; làm tăng tình đoàn kết đồng đội, xóm làng; giúp các hộ nghèo tạo dựng thói quen tiết kiệm và trách nhiệm cộng đồng. Hiệu quả của chương trình cho vay vốn hộ nghèo và đối tượng chính sách đã được khẳng định. Hàng trăm ngàn hộ CCB được vay vốn tín dụng ưu đãi đã thoát nghèo, hàng vạn hộ vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng hình ảnh người CCB “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ đổi mới.

Những kết quả to lớn và bài học kinh nghiệm trong 10 năm qua đang là sức mạnh để các tổ chức Hội CCB cùng Ngân hàng CSXH trong cả nước cùng vươn đến những kết quả cao đẹp hơn trong thời gian tới để CCB chúng ta nhanh chóng xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.

Bài và ảnh: Quốc Huy