10 năm thực hiện Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19-4-2008 – 19-4-2018): Khơi dậy lòng tự hào dân tộc
Những năm qua, đồng bào các dân tộc, các địa phương bằng những hành động cụ thể, thiết thực tổ chức các hoạt động phong phú, đa dạng từng bước đưa các hoạt động Ngày VHCDTVN hằng năm trở thành nền nếp, có ý nghĩa, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Với chủ đề “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ”, Ngày VHCDTVN những năm qua là cầu nối giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về văn hoá cũng như sản xuất, từ đó tương trợ nhau cùng phát triển, góp phần tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ và phát triển các giá trị văn hoá. Vào dịp này, tại các địa phương diễn ra hàng loạt hoạt động thiết thực nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam thống nhất trong đa dạng; đồng thời góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Dù đã có nhiều chuyển biến trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nhưng trong thực tế, văn hóa truyền thống các dân tộc đang đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa, có các biện pháp thiết thực để chủ trương, chính sách về công tác dân tộc và việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc được thực hiện thường xuyên và hiệu quả; gắn kết tinh thần đoàn kết, cùng nhau phát triển...
Cùng với hàng loạt sự kiện diễn ra trong Ngày VHCDTVN trên khắp các địa phương cả nước, những năm qua, Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam thuộc Khu du lịch Đồng Mô - Ngải Sơn (thị xã Sơn Tây, T.P Hà Nội) là một điểm nhấn quan trọng, mang tính biểu tượng cao của Ngày VHCDTVN, gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Làng xây dựng trên diện tích 1.544ha, với tổng vốn 3.200 tỷ đồng, khánh thành tháng 10-2010 bao gồm 7 khu chức năng. Những lễ hội văn hóa truyền thống như: chợ phiên Đồng Văn (Hà Giang), lễ hội cầu mưa của dân tộc Cor (Quảng Nam), lễ hội trỉa lúa của dân tộc B’râu (Kon Tum), lễ hội đua bò Bảy Núi (An Giang), chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ)... hằng năm được tái hiện ở Làng, là dịp để du khách tận hưởng không khí hội hè, mang đậm bản sắc văn hóa từng vùng, miền. Hằng năm, nơi đây đều tổ chức các lễ hội như Ngày VHCDTVN, Tuần lễ Đại đoàn kết các dân tộc-di sản văn hóa Việt Nam, Lễ hội sắc xuân... Một điều đặc biệt ở Làng là du khách khi đến đây được các chàng trai, cô gái người dân tộc trực tiếp giới thiệu những nét đẹp truyền thống và hướng dẫn trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt văn hóa dân tộc mình.
Trong khuôn khổ Ngày VHCDTVN năm 2018 với chủ đề “Bản sắc văn hóa các dân tộc góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, các chuỗi hoạt động có sự tham gia của gần 300 người dân đại diện cho 30 thành phần dân tộc thuộc các tỉnh, thành trong cả nước, tái hiện những nét văn hóa dân tộc, vùng miền như: Tết Chôl Chnăm Thmây của dân tộc Khmer, trình diễn Nghệ thuật sân khấu Dù Kê Khmer Nam bộ; tái hiện Lễ Xăng Khan của dân tộc Thái; trình diễn ẩm thực các dân tộc vùng Tây Bắc; tái hiện Lễ cầu mưa của dân tộc Gia Rai; trình diễn giai điệu Tây Nguyên... Triển lãm 10 năm chặng đường Ngày VHCDTVN với nhiều hoạt động như: Trưng bày, triển lãm ảnh, hiện vật liên quan đến đời sống văn hóa của người Gia Rai tại Gia Lai; các nội dung liên quan đến câu chuyện lịch sử kỷ niệm ngày Bác Hồ gửi Thư cho Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku (19-4), trưng bày 50 bức ảnh giới thiệu các hoạt động tiêu biểu Ngày VHCDTVN được tổ chức tại Làng trong 10 năm qua...
Các hoạt động trên cả nước diễn ra phong phú, đa dạng nhưng đều chung một niềm vui, chung niềm tự hào “Con Lạc, cháu Hồng”, xây dựng nên đất nước, con người Việt Nam như ngày hôm nay.
Hồng Hà