10 năm sau vụ khủng bố 11-9: Còn đó những nỗi lo (09/09/2011)
Có thể nói, vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11-9-2001 vào Trung tâm Thương mại thế giới tại Mỹ đã cướp đi sinh mạng của 3.000 người, đó không chỉ là vết nhơ đối với nước Mỹ mà còn là một trang đen tối nhất trong lịch sử các vụ khủng bố đẫm máu của loài người. Thời gian đã qua đi, nhưng chính quyền ông Bu-sơ trước đây và chính quyền Tổng thống Ô-ba-ma hiện tại vẫn chưa thể xoa dịu được vết thương trong lòng nước Mỹ cũng như làm người dân vững tin hơn vào cuộc chiến chống khủng bố đầy tốn kém và đang gây nhiều tranh cãi. Để chống khủng bố và đảm bảo an ninh, nước Mỹ chi phí cho hoạt động này, mỗi năm tốn khoảng 40 tỷ USD. Các phương án phòng ngừa từ xa ngoài biên giới nước Mỹ cũng như các mục tiêu nhạy cảm như sân bay, bến cảng và các công trình quan trọng ở trong lòng nước Mỹ đều đã được tăng cường. Oa-sinh-tơn hết sức lo ngại về các cuộc tấn công của An Kê-đa và các tổ chức Hồi giáo cực đoan khác, nhất là sự kiện trùm khủng bố Ô-sa-ma Bin La-đen bị lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt hồi đầu tháng 5 vừa qua tại Pa-ki-xtan cùng những tài liệu thu được về kế hoạch tấn công nước Mỹ.
Nhà Trắng đang nỗ lực ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố trả thù. Tuy nhiên, mối đe doạ khủng bố hiện không chỉ đến từ bên ngoài mà ngay tại nước Mỹ cũng là thách thức vô cùng nghiêm trọng. Theo đó, Oa-sinh-tơn sẽ kiên quyết tiêu diệt mạng lưới khủng bố quốc tế An Kê-đa, đối phó với mối đe dọa khủng bố ngay từ trong nước. Điều đó cho thấy nước này đang nâng tầm về mối đe doạ khủng bố từ nội địa ngang với bên ngoài. Đây là sự khác biệt so với 10 năm trước, khi ấy, các vụ tấn công khủng bố đến từ bên ngoài chiếm vị trí hàng đầu.
Việc Bin La-đen bị tiêu diệt là dấu mốc báo hiệu thay đổi trong chính sách chống khủng bố của Mỹ. Sự điều chỉnh từ Oa-sinh-tơn, sẽ không chỉ là việc cắt giảm ngân sách tạm thời cho cuộc chiến chống khủng bố, mà việc điều chỉnh về chiến thuật nhằm đối phó với những thay đổi về cấu trúc tổ chức của An Kê-đa trong giai đoạn không có Bin La-đen. Chiến lược chống khủng bố của Mỹ vẫn được thực thi như trước, một khi mạng lưới khủng bố quốc tế vẫn còn tồn tại. Tội ác của An Kê-đa và các tổ chức khủng bố trong 10 năm qua là rất rõ rệt. Tần suất khủng bố ít nhiều dính dáng đến An Kê-đa không giảm mà còn mở rộng ra trên các quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau.
Với một tổ chức tập trung lãnh đạo, An Kê-đa đã có sự thay đổi thành các nhánh khủng bố tự trang bị lực lượng, xác định mục tiêu khủng bố và chủ động chọn thời điểm tấn công. Từ các mục tiêu toàn cầu, tấn công trực tiếp vào các lợi ích của Mỹ và phương Tây, An Kê-đa đã dần tổ chức thành các chi nhánh, hoạt động độc lập, tuyển chọn và tập huấn thông qua mạng internet và đánh vào những mục tiêu có tính địa phương và những lợi ích gián tiếp của Mỹ và phương Tây. Như vậy, khi không có Bin La-đen, sự tổn thất về cấu trúc tổ chức và phương thức hoạt động của An Kê-đa cũng như các tổ chức khủng bố khác là không đáng kể.
Rõ ràng, người dân Mỹ đều mệt mỏi sau một thập niên chiến tranh tại Áp-ga-ni-xtan và I-rắc. Và điều không mong đợi, từ vị trí nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các quốc gia đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố, nước Mỹ đang ngày càng nhận được nhiều sự chỉ trích, quay lưng hơn là sự hậu thuẫn. Vì thế, để phòng ngừa các vụ khủng bố trong dịp kỷ niệm ngày 11-9 năm nay, Mỹ đã nâng mức báo động về an ninh trên toàn quốc, đồng thời thắt chặt an ninh tại các sân bay, các trạm trung chuyển lớn, các tòa nhà của chính phủ và kể cả các sự kiện thể thao. Những biện pháp siết chặt an ninh này sẽ được duy trì cho tới tháng 10.
Có thể thấy, Mỹ đã lên kế hoạch cho một loạt hoạt động kỷ niệm sẽ được tổ chức tại thành phố Niu Y-oóc, trụ sở Bộ Quốc phòng, thủ đô Oa-sinh-tơn, bang Pen-xin-vây-ni-a trước và trong ngày 11-9 để tưởng niệm các nạn nhân của vụ khủng bố này. Đồng thời, kêu gọi các công dân nước này đang sinh sống và du lịch ở nước ngoài cần thận trọng và đề cao cảnh giác bởi, nỗi lo về hiểm họa do An Kê-đa gây ra vẫn còn đó, cho dù chúng không đủ khả năng để hoạt động như ngày xưa.
Tuấn Minh