10 cần nhớ để tránh ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm là hội chứng cấp tính xảy ra do ăn, uống phải thức ăn có chất độc, biểu hiện bằng những triệu chứng dạ dày - ruột, thần kinh hoặc những triệu chứng khác tùy theo tác nhân gây ngộ độc. Tại Việt Nam, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2024, cả nước đã ghi nhận 36 vụ ngộ độc thực phẩm khiến 2.138 người mắc và 6 người tử vong.
Cách nhận biết
Ngộ độc thực phẩm thường xuất hiện triệu chứng trong vòng vài giờ sau khi ăn, nhưng đôi khi cũng có thể kéo dài đến vài ngày. Thông thường có 3 nhóm nguyên nhân chính dẫn đến ngộ độc thực phẩm:
- Thực phẩm nhiễm hóa chất: Khi thực phẩm bị nhiễm hóa chất, người bệnh có thể gặp phải những triệu chứng phức tạp không chỉ liên quan đến hệ tiêu hóa mà còn ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể. Các dấu hiệu phổ biến bao gồm: đau đầu, chóng mặt, tim đập nhanh, và trong trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến trụy mạch. Những triệu chứng này thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác.
- Thực phẩm nhiễm vi sinh vật: Loại ngộ độc này thường gây ra các triệu chứng như buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy và mất nước. Người bệnh có thể đổ mồ hôi nhiều, sốt cao do nhiễm trùng, khát nước và môi khô.
- Độc tố tự nhiên của thực phẩm: Một số thực phẩm chứa sẵn độc tố tự nhiên như cóc, sắn, măng hay cá nóc. Nếu không được sơ chế và chế biến đúng cách, những thực phẩm này có thể gây ngộ độc nghiêm trọng cho người tiêu dùng. Triệu chứng ngộ độc từ các độc tố tự nhiên thường xuất hiện nhanh và nặng, bao gồm khó thở, tê liệt, co giật hoặc thậm chí mất ý thức.
10 nguyên tắc phòng ngừa
Lựa chọn thực phẩm an toàn: Chọn thực phẩm tươi sống, đặc biệt là rau và trái cây. Trước khi ăn sống, rau và trái cây cần được rửa sạch kỹ lưỡng bằng nước an toàn. Trái cây nên được gọt vỏ trước khi ăn. Thực phẩm đã đông lạnh không nên làm đông đá lại sau khi rã đông.
Nấu chín kỹ thực phẩm: Đảm bảo thức ăn được nấu chín hoàn toàn, với nhiệt độ trung tâm đạt trên 70°C để tiêu diệt vi khuẩn gây hại.
Ăn ngay sau khi nấu: Thực phẩm nên được ăn ngay sau khi nấu xong, vì để lâu có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.
Bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín: Nếu không ăn ngay, thức ăn cần được giữ ấm liên tục trên 60 độ C hoặc bảo quản lạnh dưới 10 độ C. Đặc biệt, không nên giữ lại thức ăn cho trẻ nhỏ.
Nấu lại thực phẩm kỹ trước khi dùng lại: Thức ăn đã nấu chín nhưng không ăn ngay cần được hâm nóng lại kỹ, đặc biệt là sau 5 tiếng.
Tránh ô nhiễm chéo giữa thức ăn sống và chín: Luôn đảm bảo thực phẩm chín không tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với thức ăn sống hay các bề mặt chế biến bẩn.
Sử dụng nước sạch: Đảm bảo nguồn nước bạn sử dụng trong chế biến thực phẩm là nước sạch, không màu, không mùi và không có vị lạ, đồng thời an toàn về mặt vi khuẩn.
Giữ sạch các bề mặt chế biến: Để hạn chế vi khuẩn lây nhiễm, các bề mặt chế biến thực phẩm cần được vệ sinh thường xuyên. Khăn lau nên được luộc trong nước sôi và thay mới trước khi tái sử dụng.
Che đậy thực phẩm: Bảo quản thực phẩm trong các hộp kín hoặc che đậy cẩn thận để tránh côn trùng và động vật xâm nhập.
Rửa tay sạch sẽ: Rửa tay kỹ trước khi chế biến thức ăn và sau mỗi lần gián đoạn. Nếu tay có vết thương nhiễm trùng, hãy băng kín vết thương trước khi chế biến.
Việc đảm bảo thực hiện 10 nguyên tắc này không chỉ giúp giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm mà còn tạo dựng thói quen ăn uống lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe lâu dài cho cả gia đình.
Thành An